Friday, August 28, 2020

hải chiến hoàng sa, đại tá nguyễn xuân sơn, đô đốc chung tấn cang, di tản 30 tháng 4 -1975, nguyễn hữu chí,hạm đội ra khơi, hải hành cuối cùng


                                                                   RA KHƠI LN CUI
       HQ Đại Tá Nguyn Xuân Sơn và chuyến hi hành cui cùng ca Hi Quân VNCH

                                                                                     Người dch: Đặng Văn M và Thm Sơn Hà
                                                                                                  Tài li
u: Thm Sơn Hà
                                                                                                                   
(Đây là một trích đoạn từ trang 51 đến trang 77 trong bài phỏng vấn được thực hiện ngày 16 tháng 7 năm 1975 bởi Tiến Sĩ Oscar Fitzgerald thuộc văn khố lưu trữ về hành quân Hải Quân Hoa Kỳ.)


                                             ******************************************************
Hỏi (H): Ông có nói là ông bị giải nhiệm ngày cuối cùng bởi vì ông đã soạn kế hoạch cho việc di tản.
Đáp (Đ): Trong thời gian ở Sài Gòn, chúng tôi tu bổ các chiến hạm và vào khoảng một tuần lễ trước ngày Sài Gòn sụp đỗ tôi đang theo dõi các diễn tiến xảy ra sau khi mất Cam Ranh. Rồi đến mất Phan Rang, Phan Thiết và rút lui khỏi Bình Tuy. Tôi cho rằng nếu sự việc xảy ra theo chiều hướng này như vậy chúng tôi đang ở trong tình trạng bi thảm, trong khi đó người anh vợ tôi là Tỉnh trưởng tỉnh Gia Định, ông hiểu rõ về tình hình quân sự trong tỉnh của ông và tôi cũng có cảm tưởng là giờ phút cuối cùng cũng sắp đến vì tôi đã từng thấy sự hỗn loạn ở Đà Nẵng và vịnh Cam Ranh. Tôi đã thấy hai cuộc rút lui, và với những gì tôi thấy ở Sài Gòn trong mấy ngày qua, tôi quyết định là thời gian đã đến để tôi soạn thảo kế hoạch trong trường hợp chúng tôi phải di tản.
Tôi có kế hoạch tiếp nhận gia đình các hạm trưởng, thủy thủ đoàn, bất cứ ai muốn di tản. Kế hoạch của tôi là đón nhận các gia đình và mang họ đến chỗ an toàn. Điểm an toàn tôi đã chọn là đảo Côn Sơn. Chúng tôi đưa họ lên đó và chúng tôi được rãnh tay để chiến đấu trong những ngày cuối cùng.
Dĩ nhiên trong những ngày đó, bất cứ chương trình di tản nào cũng được loan truyền nhanh chóng. Khi đã có kế hoạch, tôi thảo luận với các sĩ quan tham mưu của tôi và dĩ nhiên Bộ Tư Lệnh Hải Quân biết được chuyện này qua lời đồn và tôi đã thảo luận kế hoạch với hai vị phụ tá của Đô Đốc Cang, là Phó Đề Đốc Chí (Nguyễn Hữu Chí) Phụ Tá hành Quân Biển và Phó Đề Đốc Hùng (Đinh Mạnh Hùng) Phụ Tá Hành Quân Sông.

H: Có phải ông soạn kế hoạch trước khi Xuân Lộc tan rã?
Đ: Sau đó.
H: Nói cách khác là họ đang tiến về Biên Hòa?
Đ: Họ chưa tiến về Biên Hòa, nhưng tôi soạn kế hoạch sau khi mất Bình Tuy. Và rồi ngày 28 tháng 4, Đô Đốc Cang, Tư Lệnh Hải Quân gọi tôi vào văn phòng, và ông lắc đầu.
Ông nói là tôi đã làm hỏng mọi chuyện. Tôi hỏi là tôi đã làm hỏng chuyện gì? Ông nói là chưa phải lúc để nói bất cứ chuyện gì về việc di tản. Tôi nói với ông là tôi đã thông qua kế hoạch với các vị phụ tá của ông và đó chỉ là kế hoạch để tiếp nhận người trong trường hợp chúng ta phải làm như vậy. Tôi hỏi ông là nếu không có kế hoạch, làm sao chúng ta có thể thực hiện việc di tản khi thời gian đến.
Ông nói là bây giờ chưa phải là lúc để thảo luận về bất cứ kế hoạch nào cho việc di tản và tôi bị giải nhiệm để vô hiệu hóa tin đồn đã được loan truyền về việc di tản.
Như vậy, thật ra ông bảo là phải thay thế tôi để chối bỏ bất cứ tin nào về việc di tản.
Tôi nói xin tuân lệnh Đô Đốc. Sau đó, ông cho gọi người thay thế tôi và nói với người này là sẽ nhận chức vụ của tôi.
Lễ bàn giao quyền chỉ huy được tổ chức vào lúc 2230H (10 giờ 30 đêm) ngày 28 tháng 4 trong văn phòng của tôi. 
(theo HQ Đại Tá Phạm Mạnh Khuê thì ông nhận chức vụ Tư Lệnh Hạm Đội vào chiều ngày 28 tháng 4 năm 1975)
H: Ai thay ông?
Đ: Đại Tá Khuê. Và dĩ nhiên Đ/T Khuê và tôi là bạn rất thân và chúng tôi đã thảo luận về kế hoạch di tản. Nhưng tôi vẫn tin là Đô Đốc Cang thay thế tôi vì ông tin là đất nước vẫn còn đứng vững và chưa sụp đỗ trong thời gian này. Ông vẫn còn tin như vậy. Đó là đêm 28. Qua sáng sớm ngày 29, Sài Gòn bị tấn công bằng hỏa tiễn, và vài cánh quân đang chạm địch về hướng bắc Sài Gòn gần chiếc cầu nơi lính của anh vợ tôi cũng đang chống trả địch.
Sáng ngày 29, tôi đến nhiệm sở mới với chức vụ Tham mưu trưởng /Hành Quân/Biển dưới quyền Phó Đề Đốc Chí ngay trong Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Tôi ở trong bộ chỉ huy.
H: Có phải là công việc của ông Khuê? Có phải ông ấy vừa thay thế ông?
Đ: Đúng vậy. Như tôi đã nói, tôi ở trong bộ chỉ huy theo dõi tất cả các liên lạc truyền tin viễn thông, điện thoại … vân vân  ….
Tình hình xảy ra rất xấu, sáng hôm đó chúng tôi được tin Cát Lỡ và Vũng Tàu bị tấn công, sau đó Cát Lỡ phải di tản. Khu vực này dưới quyền chỉ huy của Phó Đề Đốc Đào
(Vũ Đình Đào) Tư Lệnh Vùng 3 Duyên Hải. Tiếp đến chúng tôi được tin Long Bình và Biên Hòa trong cùng buổi sáng và chúng tôi chuyển lệnh từ Bộ Tổng Tham Mưu phá sập cầu Biên Hòa – Long Bình
H: Ông có biết là cầu đã bị phá hủy?
Đ: Tôi không biết. Chúng tôi không nhận được tin tức gì sau đó, Long Bình và Cát Lát bị pháo kích do đó phải di tản, chúng tôi rất là bận rộn trong sáng ngày hôm đó vì mọi người đều bị tấn công, cùng lúc Đô Đốc Cang và các sĩ quan tham mưu có buổi họp trong văn phòng của ông để thảo luận và đưa ra một vài quyết định. Rồi đến khoảng trưa ông quyết định di tản.
H: Đây là ngày sau khi ông đưa ra đề nghị?
Đ: Đúng vậy. Sau đó chúng tôi bắt đầu cho người lên tàu lúc 5 giờ chiều.
H; Những chiếc tàu mà ông sử dụng là những chiếc dưới quyền chỉ huy của ông trong khu vực Sài Gòn?
Đ: Đúng vậy.
H: Còn những tàu do ông Minh
(Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh) sử dụng?
Đ: Trong thời gian đó ông Minh ở trên bờ. Khi chúng tôi mất Phan Thiết, nơi đây thuộc vùng 2 duyên hải thì ông Minh không còn trách nhiệm ngoài biển, ông không còn lính để yểm trợ. Do đó ông trở về bộ chỉ huy tạm thời ở Cát Lái.
H: Các tàu cũng vậy sao?
Đ: Các tàu được giao lại cho tôi.
H: Vậy ông có tất cả các tàu?
Đ: Hầu hết, có vài chiếc ngoài Vũng Tàu dưới quyền điều động của Phó Đề Đốc Đào để yểm trợ Vùng 3 Duyên Hải. Tôi nghĩ là có 5 tàu dưới quyền Phó Đề Đốc Đào. Số còn lại dưới quyền tôi ở Sài Gòn hay ở ngoài biển hoặc ở đảo Phú Quốc. Có vài chiếc ở ngoài Phú Quốc.
H: Có một thời gian Phó Đề Đốc Minh có tất cả các tàu ngoại trừ những chiếc đang sửa chửa ở Sài Gòn dưới quyền kiểm soát của ông?
Đ: Phó Đề Đốc Minh có một phần, Phó Đề Đốc Đào có một phần và ở phía nam Tư Lệnh vùng 5 Duyên Hải có một phần nằm dưới quyền hành quân của ông ấy.
H: Tình trạng này kéo dài cho đến ngày cuối?
Đ: Đúng vậy. Trên thực tế Phó Đề Đốc Đào khi di tản khỏi Cát Lỡ đã lên trên một tàu của hạm đội
(HQ 802) và có một tàu khác đi theo ông (HQ 500), như vậy chính ông và Phó Đề Đốc Thoại đã đi thẳng đến vịnh Subic trong ngày 28, một ngày trước khi có quyết định triệt thối của Đô Đốc Cang.
H: Họ có mang theo ai không?
Đ: Họ mang theo rất nhiều người.
H: Ông thật sự có bao nhiêu tàu lúc bấy giờ?
Đ: Có 28 chiếc trong đoàn tàu đến đảo Côn Sơn. Chúng tôi có vài chiếc đi từ Sài Gòn, vài chiếc đi từ Vũng Tàu, vài chiếc đến từ đảo Phú Quốc, chúng tôi tập họp ở đảo Côn Sơn để thành lập một đoàn tàu 28 chiếc. Chúng tôi có khoảng 20.000 người trên tàu.
Lúc ở đảo Côn Sơn, Đô Đốc Cang quyết định đánh chìm một tàu không có khả năng hải hành
(HQ 402) vì máy chánh bất khiển dụng. Và ông cho phép những ai muốn trở về Sài Gòn sử dụng chiếc hải vận hạm LSM để đưa họ về Sài Gòn. Chiếc tuần duyên hạm PGM đã đưa  Đô Đốc Cang, Tham Mưu Trưởng HQ (Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy), chính tôi và một số người khác từ Sài Gòn đến Côn Sơn cũng được ông cho về vì có nhiều người trên chiếc tàu đó muốn trở về. Như vậy còn lại 25 chiếc và chúng tôi khởi hành từ đảo Côn Sơn đến vịnh Subic với 25 chiếc tàu. Trên đường đi, Đệ thất hạm đội của Mỹ đánh chìm thêm 4 chiếc vì các tàu này bất động.
H: Không thể di chuyển? Ông muốn nói như là những con tàu chết?
Đ: Đúng vậy, những con tàu chết. Chúng tôi di tản tất cả mọi người trên các tàu đó, tiêu hủy tất cả tài liệu và rồi đánh chìm.
H: Những chiếc tàu nào?
Đ: 1 tuần duyên đĩnh WPB (HQ 702), 1 tuần duyên hạm PGM (HQ 604) 1 hỏa vận hạm YOG (HQ 474) và 1 hải vận hạm (LSM 406) .
H: Người trên các tàu này đi đâu?
Đ: Họ di chuyển qua các tàu khác.
H: Ông phân chia họ?
Đ: Đúng vậy. Thành ra các tàu khác đông người hơn.
H; Đệ thất hạm đội hộ tống các ông?
Đ: Đúng vậy. Thật sự họ hộ tống và yểm trợ chúng tôi rất tốt.
H: Địch quân có chống đối việc các ông đi khỏi Sài Gòn? Trong lúc di chuyển trên sông Lòng Tàu họ có bắn các ông?
Đ: Không có gì cả.
H: Ông có lời giải thích nào về việc này? Việc này xem là hợp lý dù chỉ là hành động quấy rối mà thôi.
Đ: Tôi không nghĩ là họ sẵng sàng làm việc này.
H: Ông có nghĩ là họ muốn mọi người đều ra đi?
Đ: Tôi không nghĩ là họ có ý tưởng về chuyện này, họ cũng không dự tính trước bởi vì tôi tin là họ chưa sẵn sàng cho việc tiếp thu. Khi chúng tôi di tản từ Nha Trang có nghĩa là chúng tôi đã thực sự di tản, nhưng ngày hôm sau tôi vẫn còn có thể đưa một chiến hạm trở lại cầu tàu và hạ một tiểu vận đĩnh LCVP với 1 tiểu đội lính hải quân ủi vào bãi biển mà không gặp sự phản kháng nào.
Đơn vị này đã vào Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân để thu hồi một số vũ khí còn lại, cũng như đã tìm thấy một chiếc xe Jeep và họ lái xuống phố mà vẫn không bị cản trở. Hầu hết mọi người đều chạy tới chạy lui.
H: Tại sao di tản nếu không có áp lực?
Đ: Tại sao Huế bị di tản? Tại sao Quảng Trị bị di tản? Bởi vì dân chúng hoảng hốt, tình trạng xảy ra ở Qui Nhơn cũng tương tự. Một Trung đoàn thuộc Sư Đoàn 22 tìm đường di chuyển khoảng 15 cây số từ phía tây Qui Nhơn đến bờ biển mà không gặp sự ngăn cản nào sau cuộc di tản. Như vậy ông thấy là bên địch chưa sẵn sàng để tiếp thu.
H: Ông giữ vai trò gì trong những ngày cuối cùng của kế hoạch di tản? Ông có tham dự trong đó không? Họ có dùng kế hoạch của ông không? Vai trò của ông là gì?
Đ: Tôi bị giải nhiệm lúc 10 giờ 30 tối đêm ngày 28, một ngày trước cuộc di tản thực sự.
Quyết định di tản được đưa ra vào trưa ngày hôm sau, ngày 29, 13 giờ sau khi tôi bị giải nhiệm nhưng họ không có kế hoạch.
H: Có phải kế hoạch của ông chỉ dành cho thân nhân?
Đ: Đúng vậy. Nhưng mà chiều hướng không thể thay đổi. Rất nhiều thân nhân đã được đưa lên tàu, theo kế hoạch của tôi, nhưng không có chỉ thị để thi hành. Vì vậy người ta tự đưa tàu ra đi.
H: Như vậy việc này thực sự bắt đầu trước khi ông bị giải nhiệm?
Đ: Đúng vậy. Chúng tôi có một số thân nhân ở Sài Gòn, ở Cát Lái, ở Nhà Bè, ở Vũng Tàu.
H: Lúc đó ông hầu như đã mất quyền chỉ huy các chiến hạm?
Đ: Không. Không hẵn vậy. Thật ra khi cuộc di tản đang tiến hành, tôi đang ở trên một tuần duyên hạm PGM với tư cách là một sĩ quan không được chỉ định nhiệm vụ và khi chúng tôi ở ngoài biển, có rất nhiều tàu và mọi việc đều rối mù, do đó phụ tá của Đô Đốc Cang là Phó Đề Đốc Hùng và Phó Đề Đốc Chí hỏi tôi tại sao tôi không trở lại để chỉ huy các tàu của tôi trong chuyến đi này. Tôi nói với họ là đã có người được chỉ định thay thế tôi. Họ nói với tôi là ông ấy mới nhận lãnh trách nhiệm. Không ai biết ông và họ sẽ không tuân lệnh của ông.
H: Có phải là Đại Tá Khuê?
Đ: Đúng vậy, thật ra có nhiều chuyện không rõ ràng, không ai biết mình sẽ làm gì, do đó họ cho tôi lên hệ thống truyền tin. Tôi gọi và điểm danh tất cả các chiến hạm, nói với họ là tôi đã trở lại và họ sẽ thi hành lệnh của tôi.
H: Đô Đốc Cang không có cho ông quyền hạn này?
Đ: Đô Đốc Cang sau khi ra lệnh di tản, ông thật sự không còn kiểm soát được các tàu.
H: Thực ra ông ấy không tái bổ nhiệm ông?
Đ: Không, nhưng tôi nghĩ là ông đồng ý. Chúng tôi ở trên soái hạm và tất cả các lệnh mà tôi đưa ra, tôi nói là lệnh của Đô Đốc Cang.
H: Để giữ thể diện?
Đ: Đúng vậy. Tôi cũng không biết là ông đang ở trên tàu mà tôi đang đi. Đây là kế hoạch của tôi và khi lên tàu tôi ngạc nhiên khi thấy có mặt ông.
H: Có phải tất cả các tàu đều đi khỏi Sài Gòn?
Đ: Không phải tất cả, chúng tôi có hai dương vận hạm LST, 3 hộ tống hạm PCE và 4 hải vận hạm LSM, 2 hoặc 3 tuần duyên hạm bỏ lại ở Sài Gòn. Số còn lại ở ngoài biển, ở Vũng Tàu hay Nhà Bè.
H: Các tàu này nhận người từ Sài Gòn?
Đ: Không, họ nhận người ở nơi họ đang hiện diện.
H: Có kế hoạch gặp nhau ở Côn Sơn?
Đ: Không có kế hoạch, Trên hệ thống truyền tin, tôi gọi các tàu và bảo họ hướng về đảo Côn Sơn.
H: Như vậy tất cả gặp nhau ở Côn Sơn?
Đ: Đúng vậy.
H; Ông ở Côn Sơn bao lâu?
Đ: Một ngày.
H: Để tập trung tất cả các chiến hạm?
Đ: Đúng vậy.
H: Có Đô Đốc Chơn ở đó?
Đ: Không có ông.
H: Tôi biết là ông không đi, nhưng có vài tin đồn cho là thực sự ông có đi. Ông có nghe như thế?
Đ: Không, tôi là ngưới sĩ quan đến gặp ông trước khi chúng tôi rời Sài Gòn. Tôi ở trên chiếc PGM khi rời Sài Gòn và hạm trưởng tàu này là con của ông Chơn. Khoảng 4 giờ chiều trước khi di tản, tôi đến gặp ông ở tư gia và nói chuyện với ông. Tôi cho ông biết chúng tôi sắp đi, nhưng ông nói là ông không dự định đi …………………………………………………

…………………xin bỏ qua 3 trang ……………………………………………………………….

H: Ông giữ vai trò gì trong vài ngày sau cùng?
Đ: Tôi chỉ huy các tàu. Tôi lấy lại quyền chỉ huy để chỉ huy đoàn tàu, nhận tin tức và cho số thứ tự đoàn tàu, đảm trách việc phối hợp.
Rồi có sự hiện diện của tàu Hoa Kỳ và lý do họ giao lại cho tôi việc đó là vì sau khi chúng
tôi ở lại Côn Sơn hơn một ngày, khoảng 36 giờ, chúng tôi ước tính  số lượng thực phẩm, nước uống và số người mang theo trên tàu. Việc này chỉ thực hiện ở trên tàu vì chúng tôi không biết chuyện gì xảy ra trên bờ.
Chúng tôi rời Sài Gòn khoảng 8 giờ tối ngày 29. Sáng ngày 30, Sài Gòn sụp đổ chúng tôi đang ở Vũng Tàu, từ đó đến đảo Côn Sơn mất thêm 10 giờ, vì thế khi đến đảo Côn Sơn, chúng tôi không biết chuyện gì xảy ra trong đất liền và chúng tôi không tin bất cứ ai trong đất liền.
H: Hải quân có nhận người tị nạn nào được mang ra từ đất liền?
Đ: Ở trên đảo Côn Sơn có vài thân nhân của không quân đã được tiếp nhận ngày hôm đó, họ bay ra ngày 30.
H: Ông có mang ai ra khỏi đảo Côn Sơn?
Đ: Chúng tôi mang ra khỏi những người đang làm việc trong các trại giam, viên chức chánh quyền và thân nhân sống ở đó.
Khi chúng tôi đang neo ở đảo Côn Sơn có một thương thuyền của Hoa Kỳ ở gần đó, chúng tôi cố gắng dùng tín hiệu để liên lạc với họ nhưng không được trả lời.
Dĩ nhiên là Đô Đốc Cang đang thẩm định tình hình, ông nghĩ là chúng tôi không thể đi đến vịnh Subic với những gì chúng tôi đang có trên tàu. Có quá nhiều người mà không đủ thực phẩm, nước uống. Không có hệ thống lạnh nào trên tàu hoạt động. Không có tàu nào có thủy thủ đoàn đầy đủ. Có tàu không có hạm trưởng, một ít tàu có nhân viên cơ khí vì quyết định được đưa ra một cách vội vã và một số nhân viên chiến hạm đã rời tàu ở Sài Gòn mà không trở lại. Vì vậy chúng tôi cảm thấy là chúng tôi không thể đi đến vịnh Subic, chúng tôi cố gắng lien lạc với tàu thuộc Military Sea Transportation Service Command MSTS đang hiện diện ngoài đó để chúng tôi có thể chuyển qua hoặc chuyển giao các tàu cho đệ thất hạm đội. Không ai trong đoàn tàu biết cách lien lạc với Đệ thất hạm đội ngoài tôi. Tôi đã có được tần số truyền tin và ám hiệu lien lạc từ văn phòng Military Sealift Command MSC ở Sài Gòn (MSTS là danh xưng trước năm 1970 của MSC). Đây là một phần trong kế hoạch của tôi. Không ai biết cách liên lạc với họ ngoại trừ tôi, và tôi nói với họ là tôi biết cách liên lạc với Đệ thất hạm đội.

H: Có phải đó là lúc vài sĩ quan đồng ngũ yêu cầu ông trở lại nắm quyền chỉ huy?
Đ: Đúng vậy.
H: Ông có nói với họ là ông biết cách làm việc với tần số?
Đ: Có. Vì thế họ để cho tôi trở về công việc cũ. Tôi lên máy gọi MSC và được trả lời ngay, họ cho biết là ngày hôm sau họ sẽ biệt phái cho chúng tôi một sĩ quan.
H: Có phải chiếc tàu ở đó giúp đỡ?
Đ: Không, không phải tàu đó. Tôi liên lạc với soái hạm của Đệ thất hạm đội, chiếc Blue Ridge và nói chuyện với một nhân viên của MSC, ông ta nói là sẽ gởi đến một sĩ quan cấp bậc HQ Thiếu Tá với nhiệm vụ như một sĩ quan liên lạc. Tôi nói chuyện với viên sĩ quan và biết ra là chúng tôi đã là bạn với nhau. Tên ông là ……….
Ông đã từng ở Trung tâm hành quân ở Sài Gòn, bay ra soái hạm của Đệ thất hạm đội trong ngày 28 và được chỉ định làm sĩ quan liên lạc với chúng tôi, và từ đó tôi duy trì liên lạc truyền tin với soái hạm của Đệ thất hạm đội, chiến hạm chịu trách nhiệm về chuyến hải hành.
H: Ông có nói là ông cố gắng liên lạc với tàu của MSTS lúc tàu này có mặt ở đó, tàu này chỉ đi ngang qua hay đang làm gì?
Đ: Tàu này đang neo, nhưng chúng tôi không nhận được trả lời, bởi vì tàu này đang ở dưới sự chỉ huy trực tiếp của MSC. Vị sĩ quan của MSC đang ở trên soái hạm. Tàu này không được phép trả lời.
H: Như vậy tàu đang làm gì?
Đ: Chỉ neo tại chỗ.
H: Tàu này là một phần của lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ?
[Lực lượng đặc nhiệm 76 (Task Force 76) bộ chỉ huy đặt trên chiếc Blue Ridge có nhiệm vụ yểm trợ đoàn tàu di tản và cứu vớt các ghe thuyền di tản ngoài khơi]
Đ: Đúng vậy.
H: Khi ông soạn kế hoạch di tản, ông có tiếp xúc với văn phòng MSC ở Sài Gòn?
Đ: Không, Tôi có một nhân viên dân sự Hoa Kỳ làm việc trong văn phòng tôi, người này nhận từ văn phòng MSC các tin tức về ám hiệu liên lạc truyền tin.
H: Người này trong ban tham mưu của ông?
Đ: Đúng vậy.
H: Ông ta là người Hoa Kỳ?
Đ: Đúng vậy.
H: Ông ta được biệt phái từ văn phòng MSC?
Đ: Đúng vậy.
H: Ông ta tên gì?
Đ: __________
H: Ông ta đã từng phục vụ trong hải quân Hoa Kỳ?
Đ: Ông ta là HQ Đại Úy trong hải quân Hoa Kỳ, bị thương sau đó giải ngũ và trở lại làm việc như là một dân sự. Tôi yêu cầu ông thu thập tài liệu về truyền tin cho tôi. Tôi hỏi ông là nếu chúng tôi có kế hoạch di tản, làm sao chúng tôi có thể tiếp xúc với chiến hạm Hoa Kỳ ngoài biển. Đó là câu hỏi của tôi. Sau đó ông ấy đi ra ngoài và ngày hôm sau trở lại với các tin tức. Ông có ám hiệu, tên người trên tàu, tất cả mọi thứ.
H: Ông có nhận được bất cứ tiếp xúc nào về phía Hoa Kỳ nói là chúng tôi có thể giúp các anh và họ muốn giúp trong cuộc di tản?
Đ: Có. Đô Đốc Owen Oberg vô văn phòng Phó Đề đốc Chí và muốn gặp tôi, Phó Đề Đốc Chí và sĩ quan hành quân của Bộ Tư Lệnh Hải Quân.
H: Việc này xảy ra một hoặc hai tuần trước?
Đ: Khoảng hai tuần, ông thảo luận về di tản và chúng tôi hỏi công việc của ông ở đây là gì (tôi đã biết ông từ trước), và ông có trở về nước. Ông cho biết là ông đang đảm trách trung tâm di tản.
Tôi hỏi ông có kế hoạch di tản hay không. Ông nói là có. Tôi hỏi kế hoạch gồm có những gì. Bao nhiêu người được di tản.
Sau đó ông hỏi lại chúng tôi, chúng tôi nghĩ gì. Những người nào sẽ được di tản.
Tôi nói là tùy thuộc vào số người ông có thể mang đi. Cuộc thảo luận bàn qua, bàn lại.
Sau cùng ông cho biết là kế hoạch của ông bao gồm chúng tôi và gia đình chúng tôi, chỉ tay về phía ba chúng tôi.
Ngoài việc đó, không có văn kiện về kế hoạch di tản.
H: Đó là cuộc tiếp xúc thực sự duy nhất giữa ông và Hoa Kỳ về việc di tản?
Đ: Đúng vậy.
H: Hoa Kỳ có gởi tàu vô Sài Gòn?
Đ: Không. Có tàu của MSTS, tàu bao thuê Đại Hàn và Đài Loan.
H: Như vậy ông mang theo khoảng chừng 20.000 người?
Đ: Đúng vậy.
H: Rồi những người khác đi theo các tàu kể trên? Có đúng không? Tôi đoán có một số người bay ra?
Đ: Đúng vậy, nhưng ông thấy Đệ thất hạm đội nằm ngoài khơi cách Vũng Tàu khoảng 20 hải lý và nhiều ghe thuyền và tàu nhỏ chỉ ra đó.
H: Làm sao các tàu thuyền này biết Đệ thất hạm đội ở ngoài đó?
Đ: Tôi nghĩ họ biết là một khi họ đi ra ngoài đó sẽ có người đón nhận họ.
H: Từ Vũng Tàu có thể nhìn thấy Đệ thất hạm đội?

Đ: Không, không thấy gì hết. Tôi đã gặp khó khăn trong việc xác định vị trí của các tàu thuộc Đệ thất hạm đội ngay cả khi ở ngoài biển lúc về đêm.
H: Ông có địa điểm chính xác nào để gặp họ?
Đ: Đêm đó chúng tôi không có liên lạc với họ, ngay cả lúc chúng tôi neo ở đảo Côn Sơn. Như ông thấy, tôi chưa được trở về chúc vụ cũ. Mọi chuyện đều do Đô Đốc Cang và Phó Đề Đốc lo liệu. Họ đang làm việc và tôi được yêu cầu đi phiên, tôi đã thi hành. Đó là tất cả những gì tôi đã làm.
Sau đó, họ nhận ra là đoàn tàu không thể tự thực hiện cuộc hải trình. Rồi họ bắt đầu dọ hỏi về sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và chúng tôi bắt đầu gởi tín hiệu đến chiếc thương thuyền. Không được trả lời, họ rất lo lắng vì vậy họ gặp và hỏi tôi làm thế nào để họ có thể tiếp xúc với tàu Koa Kỳ. Tôi nói với họ là tôi có thể làm được việc đó và rồi tôi bắt đầu liên lạc với tàu Hoa Kỳ.
H: Ông suy nghĩ như thế nào khi ông soạn kế hoạch? Ông có dự trù cho việc Hoa Kỳ yểm trợ tiếp vận?
Đ: Không.
H: Vậy ông chỉ dự tính ra Côn Sơn?
Đ: Đúng vậy, với gạo và cá khô.
H: Một khi đã rõ ràng là ông phải rời Côn Sơn, ông đã dự trù như thế nào cho thực phẩm và nước uống?
Đ: Theo suy nghĩ của tôi, Sài Gòn có lẽ mất, nhưng chánh quyền sẽ di chuyển về vùng châu thổ và với sự trợ giúp của ai đó, quân đội chánh phủ vẫn đứng vững và chiến đấu. Kế hoạch của tôi là di tản gia đình quân nhân ra biển và cho họ ở một chỗ an toàn trên đảo Côn Sơn nơi mà chúng tôi vẫn còn tàu hoạt động, vẫn còn thủy thủ trên tàu và vẫn chiến đấu.
H: Ông có nghĩ là có thể giữ được vùng châu thổ? Việc đó có được cứu xét?
Đ: Có, khi soạn kế hoạch, tôi dự trù như vậy, nhưng mọi chuyện đã xảy ra khác đi.
H: Ông có bất cứ khái niệm nào về lý do tại sao không thực hiện việc bảo vệ vùng châu thổ như là một phương cách cuối cùng?
Đ: Tôi nghĩ là người ta bỏ cuộc một khi nghe tin Sài Gòn đã sụp đổ. Rồi trên hệ thống truyền thanh, Tổng thống Minh kêu gọi quân chánh phủ đứng yên tại chỗ và gọi phía bên kia đến để thảo luận về việc trao quyền. Lời kêu gọi được loan truyền trên đài phát thanh. Điều đó làm tất cả mọi người đều thất vọng, và tôi nghĩ đây là lý do vì sao Quân đoàn 4 đã buông súng.
H: Họ thật sự đã bỏ súng trước khi mất Sài Gòn?
Đ: Không, sau buổi phát thanh và sự sụp đổ của Sài Gòn, vẫn còn một số người rời Cần Thơ, Mỹ Tho và Tân An sau buổi phát thanh ngày 30.
H: Vậy họ hy vọng chánh phủ sẽ di chuyển và họ sẽ bảo vệ chánh phủ ở vùng châu thổ?
Đ: Đúng vậy.

                                    (bỏ qua 2 trang 69-71, không liên quan đến đề tài)

H: Mất bao lâu để đi từ Côn Sơn đến vịnh Subic?
Đ: Khoảng một tuần. Chúng tôi ngừng lại nhiều lần trên biển để được tiếp tế. Chúng tôi nhận thực phẩm và nước uống từ Đệ thất hạm đội.
H: Làm cách nào để nhận đồ tiếp tế?
Đ: Chúng tôi thật là may mắn, biển rất êm, đồ tiếp tế cho chúng tôi được chuyển bằng LCM-8. Chúng tôi rất may. Nếu không, sẽ có nhiều thương vong trên tàu, đặc biệt là với các tàu nhỏ chứa nhiều người. Chỉ có một cô gái 17 tuổi chết vì bịnh đau tim. Ngoài ra chúng tôi không có ai khác thiệt mạng.
H: Chuyện gì xảy ra cho các tàu ở Subic?
Đ: Ông có nhớ việc tôi nhắc đến hai chiếc tàu rời Vũng Tàu ngày 28 và đi thẳng đến vịnh Subic, chuyện này làm cho chánh phủ Phi phản đối.
Khi đoàn tàu đang hải hành, chúng tôi gặp khó khăn trong việc chọn hải cảng để vào. Chánh quyền Phi Luật Tân không chấp thuận cho chúng tôi vào cảng và đã có ý tưởng cho đoàn tàu đi thẳng đến Guam, như vậy phải mất thêm 2 tuần lễ nửa trên biển. Tôi nói với họ là việc này không thể thực hiện vì tình trạng quá đông người, không đủ thủy thủ đoàn và nhân viên cơ khí, ngay cả trên soái hạm chúng tôi chỉ có một máy phát điện, ...  và có các vấn đề khác như dầu rò rĩ trên boong tàu mà không ai biết cách khắc phục, chúng tôi biết là các tàu khác cũng ở trong tình trạng tương tự, như tôi đã trình bày chúng tôi không thể đi đến Guam.
Chúng tôi tôi thảo luận tình trạng này với Phó Đề Đốc hải quân Hoa Kỳ, người đảm trách việc hộ tống chúng tôi đang ở trên một trong số các khu trục hạm.
Sau cùng chúng tôi đi đến quyết định trao lại tất cả các tàu cho hải quân Hoa Kỳ và vị Phó Đề Đốc Hoa Kỳ tập hợp tất cả các sĩ quan kém thâm niên trên 2 hay 3 tàu của ông, phân phối một sĩ quan trên mỗi tàu của hải quân Việt Nam.Việc này xảy ra bên ngoài vịnh Subic, rồi chúng tôi cử hành một nghi lễ nhỏ, hạ cờ Việt Nam và thượng cờ Hoa Kỳ.
Sau đó chúng tôi vào vịnh Subic như là các chiến hạm Hoa Kỳ.
H: Chánh phủ Phi Luật Tân nghĩ gì về việc này?
Đ: Tôi không biết.
H: Giải pháp này do ai nghĩ ra?
Đ: Tôi không biết. Nhưng chúng tôi được ưu tiên cao. Nếu chúng tôi chuyển điện văn đến các chiến hạm hải quân Hoa Kỳ họ có thể nhận được câu trả lời nhanh chóng. Tôi nghĩ quyết định đến từ Hoa Thịnh Đốn.
H: Có bao nhiêu tàu Hoa Kỳ hộ tống ông?
Đ: Tôi không biết. Họ thay phiên nhau, nhưng vào ngày cuối cùng có 2 khu trục hạm và một tàu ụ nổi LSD.
H: Ông có tàu tiếp tế đến định kỳ?
Đ: Có, hầu như mỗi 2 ngày. Đó là lý do vì sao chúng tôi mất nhiều thời gian. Chỉ có 700 hải lý, nếu tàu có thể chạy 10 dặm một giờ, chúng tôi sẽ mất 70 giờ nhưng lại mất đến 7 ngày.
H: Ông có kinh nghiệm từ trước trong việc điều khiển đoàn tàu?
Đ: Tôi có thực tập vài lần trong thời gian làm Tư lệnh hạm đội. Đó cũng là lý do nữa mà tôi được trao lại chức vụ cũ.
H: Đô Đốc Cang có làm bất cứ chuyện gì trong chuyến đi này?
Đ: Thỉnh thoảng ông đưa ra vài quyết định. Một chuyện làm chúng tôi tức cười là khi có một chiếc trong đoàn tàu không thi hành đứng đắn chỉ thị, Đô Đốc Cang nói là ông sẽ thay thế sĩ quan phụ trách tàu đó. Không một ai tuân lệnh vào thời điểm này. Thật ra chúng tôi may mắn không có sự nổi loạn trong đoàn tàu. Việc đó có thể xảy ra. Ngay chính khi tôi muốn lên một trong các tàu, thủy thủ đoàn không cho tôi nhập hạm, họ nói là tàu thuộc về họ. Nếu muốn lên tàu, ông phải được phép của họ. Con người thay đổi quá nhanh.
H: Tại sao họ không cho ông lên tàu?
Đ: Họ nói là họ không còn bị bắt buộc phải nhận lệnh của bất cứ sĩ quan Việt Nam nào ngoại trừ Sĩ quan của họ mà họ tin tưởng.
H: Người sĩ quan trên tàu có nhận lệnh của ông?
Đ: Không hẵn vậy. Một ví dụ là khi quyết định đánh chìm 4 chiến hạm, chúng tôi phải phân tán người trên các tàu đó qua tàu khác. Có một tàu được chỉ định nhận thêm 200 người, nhưng vị hạm trưởng từ chối. Hạm trưởng không nói trên hệ thống truyền tin là thủy đoàn không cho ông nhận, nhưng ông cố gắng tìm cách vừa thi hành lệnh vừa làm vui lòng thủy thủ đoàn. Khi tôi lên tàu, tôi khám phá ra là chính thủy thủ đoàn không muốn có thêm người nào trên tàu. Tinh thần rất thấp kém và sự căng thẳng lên cao.
H: Sau cùng họ có bằng lòng nhận người?
Đ: Có.
H: Cuối cùng làm sao ông thuyết phục họ?
Đ: Tôi thuyết phục hạm trưởng và đến lượt hạm trưởng thuyết phục thủy thủ đoàn. Có những bực dọc giữa các sĩ quan cao cấp. Một trong những bực dọc đó được ghi nhận qua tiếng nói của Phó Đề Đốc Chí và Phó Đề Đốc Thăng trong đoàn tàu. Họ gọi máy cho Đô Đốc Cang nói là đoàn tàu đi quá chậm. Nếu ông làm như vậy chúng ta sẽ gặp trở ngại lớn. Chúng tôi, các Đô Đốc đề nghị ông cho đi nhanh hơn.
Chưa bao giờ có sự can thiệp như vậy trong hải quân lúc bình thường.
H: Ông thật sự là người chịu trách cho đoàn tàu hay Đô Đốc Cang?
Đ: Đô Đốc Cang ở trên tàu. Ông đưa ra vài quyết định căn bản như chúng ta hãy ra đi, hãy có sự yểm trợ của Hoa Kỳ, những điều như vậy. Nhưng các điểm chính yếu của việc tổ chức đoàn tàu do tôi đảm nhận.
H: Hầu hết tất cả những người trong đoàn tàu có liên hệ đến hải quân?
Đ: Có những người khác, chỉ là dân sự, nhưng có thể họ có bạn bè trong hải quân hoặc họ quen biết người trong thủy thủ đoàn. Chúng tôi có những người khác trên tàu, một Phó Thủ tướng, Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu, một vài Tướng lãnh. Vị tướng nhận chức Tổng Tham Mưu Trưởng trong 2 ngày, dưới quyền Tổng Thống Minh. Có rất nhiều người, Biệt Động Quân, sĩ quan Không quân.
H: Sau khi ông đến Subic, chuyện gì xảy ra?
Đ: Khi chúng tôi đến vịnh Subic, các Đô Đốc, Tướng Lãnh và gia đình được mang đi trước, và tôi là người sĩ quan duy nhất không thuộc cấp Tuớng cũng được mang đi.
H: Có bao nhiêu Tướng Lãnh thực sự ra đi?
Đ: Hiện tại tôi không có con số, nhưng tất cả các Đô Đốc hải quân đều đi ngoại trừ ông Chơn.
H: Như vậy không có mấy người?
Đ: Chúng tôi có 9 Đô Đốc, cộng thêm 2 Trung tướng bộ binh và Tư lệnh TQLC, Tư lệnh TQLC không đi với chúng tôi. Ông đi trên tàu Hoa Kỳ.
H: Tướng Trưởng có đi với ông?
Đ: Không, chúng tôi có Tư lệnh phó quân đoàn 4, Tướng Quay (Chuẫn Tướng Chương Dzềnh Quay) và vài ông Tướng khác. Họ tiếp nhận chúng tôi và gia đình, đưa chúng tôi đến Guam bằng phi cơ, phần còn lại khoảng 20.000 người đi đến Guam bằng tàu của MSTS. Chúng tôi bỏ lại tàu ở vịnh Subic.
H: Ông có vai trò nào trong việc tổ chức cho người tị nạn, chẳng hạn như dựng lên các lều trại hay các việc khác?
Đ: Tôi không có dựng lều trại ở Guam, nhưng tôi cố gắng giúp mọi người được ổn định, liên lạc với hải quân ở Guam để nhận tiếp liệu cho nhóm tướng lãnh mà tôi đang ở chung. Chúng tôi ở trong căn cứ không quân.
H: Người Hoa Kỳ có hội ý với ông về sự di chuyển của đại đa số người tị nạn trên tàu?
Đ: Không hỏi gì.
H: Người Hoa Kỳ có hội ý với ông phải làm việc này như thế nào?
Đ: Không, không hỏi gì. Mọi chuyện đều được thu xếp trước khi chúng tôi đến Guam. Chỉ có một việc mà tôi làm là ở Hickham. Họ chia trại ra thành 4 khu và tôi tình nguyện làm trưởng một khu trong 2 ngày, sau đó có buổi họp tất cả gia trưởng trong khu và họ bầu tôi làm phát ngôn viên cho khu đó.
H: ông ở Guam bao lâu?
Đ: Khoảng 1 tuần.
H: Chỉ có các ông ở đó hay còn có những người tị nạn khác?
Đ: Có một số người ở trước. Chúng tôi đến trễ hơn nhiều. Có những người đã được đưa sang bằng máy bay từ Sài Gòn, những người làm việc với DAO hay với Tòa đại sứ.
Khi chúng tôi đến Guam vào ngày 6 hoặc 7 tháng 5 thì đã có rất nhiều người ở đây rồi.
H: Như vậy ông ở đó một tuần sau đó đi thẳng qua Eglin (trại tị nạn nằm trong căn cứ không quân Eglin, Florida).
Đ: Đúng vậy.
H: Ông bay qua đó?
Đ: Đúng vậy.
H: Và rồi ông ở đó 14 ngày?
Đ: Đúng vậy.

Người phỏng vấn: Cám ơn ông rất nhiều HQ Đại Tá Sơn

                                        ******************************************************************

CHÚ THÍCH:
• MSC (Military Sealift Command), cơ quan này nằm trong hệ thống chỉ huy của hải quân Hoa Kỳ.
Các tàu trực thuộc cơ quan này có chữ viết tắt USNS (United States Naval Ship) trước tên tàu.

Thủy thủ đoàn là dân sự và không trang bị vũ khí.

Các chữ nghiêng nằm trong dấu mở và đóng ngoặc là ghi chú của dịch giả.

Tiểu Sử HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn.
• Sinh ngày 16 tháng 6 năm 1935 tại Gò Công.
• Nhập ngũ năm 1954.
• Tốt nghiệp khóa 4/SQHQ/Nha Trang
• Đơn vị phục vụ.
     - Khu trục hạm của Pháp
     - Phòng nhân viên, phụ trách nhân viên Việt nam
     - Du học Post Graduate School ở Monterey, CA 10 tháng.
     - Về nước, Thuyền trưởng LCU
     - Hạm trưởng Trợ Chiến Hạm LSSL
     - Hạm trưởng 2 Hộ tống hạm (loại PC)
     - Trở lại phòng nhân viên
     - Lãnh tàu ở Philadelphia, Hạm trưởng Hộ tống hạm năm 1961 hoậc 1962
(có lẽ là HQ 07).
     - Chỉ huy trưởng Vùng 3 Duyên Hải
     - Trở về phòng nhân viên
     - Du học Naval War College
     - Tham Mưu Trưởng kiêm Phụ Tá cho Đô Đốc Matthews ở Bình Thủy trong chiến dịch Sea Lords
     - Tham Mưu Phó Hành Quân/Bộ Tư Lệnh HQ khoảng 1 năm
     - Tư Lệnh Hạm Đội từ tháng 6-1972 đến ngày 28 tháng 4-1975.
• Huy Chương:
      - Đệ Ngũ đẳng Bảo Quốc Huân Chương
      - Chương Mỹ Bội Tinh Đệ Nhất hạng.



No comments:

Post a Comment