KIỂM CHỨNG SỰ KIỆN TRONG HẢI CHIẾN HOÀNG SA
Thềm Sơn Hà
Nếu so sánh Nhật
ký hành quân của Trung tâm Hành quân Bộ Tư lệnh Hải quân (TTHQ/HQ) trong cuốn “Sự
Thật Hải Chiến Hoàng Sa 19/01/1974” phát hành tháng 1-2015 và Hành quân Trần Hưng
Đạo 47 (THĐ 47) của HQ Đại tá Phạm Mạnh Khuê trong Tuyển tập Hải sử 2004 sẽ nhận
thấy có nhiều sự kiện quan trọng được ghi nhận khác nhau, hoặc không được ghi
nhận trong THĐ 47.
Tuy nhiên tài liệu vừa được Đại tá Khuê bổ túc tháng 1-2018/1-2019
trong đó có Tổng hợp Nhật ký Hành quân Trần Hưng Đạo 47 (THNK/HQ/THĐ 47) đã thêm
vào các sự kiện quan trọng có phần nào trùng hợp với nhật ký TTHQ/HQ, do vậy đã
xác nhận sự chính xác và trung thực của nhật
ký TTHQ/HQ.
Bài viết này sẽ kiểm chứng và nhận
xét các điểm
trùng hợp, các điểm
khác biệt và những
điều vẫn
chưa được công bố theo thứ tự thời
gian.
Các
chữ viết tắt được sử dụng trong bài viết:
• BTL/HQ = Bộ Tư lệnh Hải quân;
• TL/HQ = Tư lệnh Hải quân; • TLP/HQ
= Tư lệnh phó Hải quân;
• TMT/HQ = Tham mưu trưởng Hải quân; • TMP/HQ
= Tham mưu phó Hành quân; • ĐĐ = Đô
đốc
• V1DH = Vùng 1 Duyên hải;
• TTHQ/HQ = Trung tâm Hành quân/Bộ
Tư lệnh Hải quân
• TTHQ/LĐ/B = Trung tâm Hành quân /Lưu
động/Biển
• THĐ 47 = bài viết “Hành quân Trần
Hưng Đạo 47 của HQ Đại tá Phạm Mạnh Khuê trong Tuyển tập Hải sử 2004 và Tuyển tập
Hải sử 2018/2019.
• THNK/HQ/THĐ 47 = bài viết và tài
liệu “Nội dung Tổng hợp Nhật ký Hành quân Trần Hưng Đạo 47” của HQ Đại tá Phạm
Mạnh Khuê công bố tháng 1-2018 và 1-2019 trong Tuyển tập Hải sử.
• PT = Phúc trình; • NK
= Nhật ký; • AT = Âm thoại
• BNG/HK = Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; • TĐS/HK = Tòa Đại sứ Hoa Kỳ
Tên
các đảo được sử dụng trong tài liệu của Đại tá Khuê bằng Anh Ngữ:
Pattle = Hoàng Sa; Robert = Cam Tuyền
hay Hữu Nhật; Money = Vĩnh Lạc hay
Quang Ảnh
Duncan = Quang Hòa; Drummond = Duy Mộng
Ngày 14 tháng 1 năm 1974
• THĐ 47
“Bộ Tư lệnh/ Hành quân Biển chỉ thị Bộ Tư lệnh Vùng I Duyên hải điều động một chiến hạm đến đảo Hoàng Sa với nhiệm vụ quan sát tình hình đồng thời đón ông Trưởng ty Khí tượng bị trọng bệnh về Đà Nẵng. Tháp tùng theo chuyến đi có ba Sĩ quan và nhân viên thuộc Bộ Tư lệnh /Quân đoàn I/ Quân khu I và một nhân viên Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ tại Đà Nẵng là ông Gerald E.Kosh.
HQ 16 rời Đà Nẵng đi Hoàng Sa hồi 18:00H.”
• PHỎNG VẤN PHÓ ĐỀ ĐỐC HỒ VĂN KỲ-THOẠI:
“Tôi gởi chiến hạm ra ngoài đó chỉ để thăm viếng. Ngày hôm đó tôi gởi tàu đi vì Tướng Trưởng dự định một ngày nào ra thăm đảo. Ông không biết là ông có thể đáp máy bay xuống đảo được hay không. Tôi muốn chắc chắn là điều này có thể được, bởi vì tôi không nghĩ là bất cứ máy bay nào cũng có thể đáp xuống đảo Hoàng Sa. Nhưng tôi vẫn gởi tàu ra ngoài đó để xem chúng tôi có thể xây một phi đạo hay một cái gì giống như vậy.” …….. “Anh ấy chỉ đến đó và rồi tôi nhớ là anh rời Đà Nẵng đêm thứ Hai và tôi đã trù tính anh trở lại Đà Nẵng vào sáng thứ Tư.” (tài liệu phỏng vấn của Hải quân HK tháng 9-1975).
NHẬN XÉT: là người trực tiếp liên hệ với Quân đoàn 1 và với Tướng Trưởng, dĩ nhiên ĐĐ Thoại hiểu rõ lý do vì sao HQ 16 công tác Hoàng Sa.
Tuy nhiên trong sách ‘Can Trường Trong Chiến Bại’ ĐĐ Thoại viết khác đi. Thứ Hai là ngày 14 tháng 1, thứ Tư ngày 16-1.
Thực sự toán tháp tùng HQ 16 gồm 3 Sĩ quan và 2 Hạ sĩ quan thuộc Bộ Tư lệnh /Quân đoàn I, Sĩ quan Trưởng phòng Tình báo V1DH, và 1 viên chức Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ tại Đà Nẵng là ông Gerald E.Kosh.
No comments:
Post a Comment