HQ ĐẠI TÁ HÀ VĂN NGẠC và HẢI CHIẾN HOÀNG SA
Trích trong "Sự Thật Hải Chiến Hoàng Sa 19/01/1974" lần tái bản năm 2022.
Thềm Sơn Hà
Là vị Sĩ quan chỉ huy trực tiếp ngoài mặt trận, sau 25 năm, lần đầu tiên HQ Đại tá Hà Văn Ngạc viết bài về hải chiến Hoàng Sa.
Có thể nhận ra trong bài viết này ông đã nêu ra vài nhận định sâu sắc về trận hải chiến:
• Thiếu sót trong lịnh hành quân.
Đã từng giữ chức vụ Tham mưu phó Hành quân/BTL/HQ nên Đại tá Ngạc đã nhận xét rất chính xác về lịnh hành quân: “Lệnh hành quân cũng không ghi tình hình địch và lực lượng trừ bị như những kinh nghiệm từ trước đến nay nhất là trong hai năm tôi đảm nhận trách vụ Tham mưu phó Hành quân tại BTL/HQ. Tôi dự đoán Trung Cộng, vì đã thiết lập một căn cứ tiền phương tại đảo Phú Lâm thuộc nhóm Tuyên Đức nằm về phía Đông Bắc đảo Hoàng Sa sát vĩ tuyến 17, nên họ đã có thể đã phối trí tại đây lực lượng trừ bị… Việc Trung Cộng lấn chiếm những đảo không có quân trú phòng của ta trong vùng Hoàng Sa, đã phải được họ chuẩn bị và thiết kế chu đáo từ lâu trước khi tái tuyên bố chủ quyền.”
NHẬN XÉT: mặc dù trong bài viết ông đã nhận thấy khuyết điểm của lệnh hành quân, nhưng thực tế khi đến HS ông không có biện pháp hoặc đề nghị thích ứng.
Có thể đây là suy nghĩ của ông sau trận hải chiến nhưng dù sao đây cũng là yếu điểm mà ông đã thẳng thắng nêu ra để rút tỉa kinh nghiệm.
• Thiếu sót trong vấn đề phòng thủ: “Xét về sự phòng thủ, so sánh với đảo Thái Bình trong vùng Trường Sa thì thế bố trí trên đảo Hoàng Sa của VNCH đã thua kém rất xa, và không thể đủ sức để cố thủ chống lại một cuộc cường kích thủy bộ. Trên đảo không có công sự nặng, chỉ có khoảng một trung đội địa phương quân với vũ khí cá nhân và một vài quan sát viên khí tượng.”
• Tạo cơ hội cho Trung Cộng: “Việc HQVN khai hỏa tấn công sau khi thất bại đổ bộ đã tạo cho Trung Cộng có nguyên cớ vì bị tấn công mà phải hành động, nên đã dùng cường lực cưỡng chiếm các đảo vào ngày sau.”
• Không khai hỏa, rút về cố thủ các đảo còn lại: “Một lần nữa, giả dụ rằng ta cứ để Trung Cộng có mặt trên đảo Quang Hòa, trận hải chiến đã không xẩy ra thì chúng ta vẫn có thể tiếp tục hiện-diện trên đảo Hoàng Sa, tuy nhiên có thể phải trải thêm quân trên các đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc và Duy Mộng, để tránh sự lấn chiếm, cộng thêm là Hải quân Việt Nam phải thường xuyên tuần tiễu với một hải đoàn tương đối mạnh.
NHẬN XÉT
- thật sự đảo Duy Mộng nằm gần đảo Quang Hòa và TC đã đưa quân chiếm đóng đảo này.
- điểm ngạc nhiên là đoạn viết trên của Đại tá Ngạc đã bị cắt bỏ trong Tuyển tập Hải sử.
****************
Bài viết ‘Trận Hải Chiến Lịch Sử Hoàng Sa’ của Đại tá Ngạc cũng bỏ qua các sự kiện sau đây:
1.- Không đề cập HQ 16 yêu cầu được tác xạ ngăn tàu đánh cá TC tiến vào đảo Cam Tuyền.
2.- Không trung thực khi ghi nhận HQ 4 và HQ 5 di chuyển ngoài đảo Vĩnh Lạc trong sáng ngày 19/01.
3.- Không ghi nhận TC đổ bộ quân lên đảo Quang Hòa lúc 05:15H ngày 19/01.
4.- Không ghi nhận TL/HQ ra lịnh trực tiếp cho ĐĐ Thoại và cho ông.
5.- Không ghi nhận phần đối đáp với ĐĐ Thoại.
6.- Không xác nhận sự can dự của ĐĐ Thủy.
7.- Không báo cáo trung thực lý do rời vùng lúc 11:00H.
1.- Tuyệt đối thi hành lịnh thượng cấp
• Đối phó ôn hòa với tàu Trung Cộng (TC): trên đường đến HS, khi HQ 16 yêu cầu được tác xạ trước mũi tàu đánh cá TC, được chỉ định là Sĩ quan Chỉ huy Chiến thuật và có lẽ đã được ĐĐ Thoại giải thích về phương cách đối phó nên ông không chấp thuận.
• Phô trương lực lượng: ‘tôi quyết định ngay là hải đoàn sẽ phô trương lực lượng bằng một cuộc thao diễn chiến thuật tập đội để tiến về phía đảo Quang Hòa với hy vọng là có thể đổ bộ hải kích như các chiến hạm ta đã làm trước đây.’
• Đổ bộ tái chiếm đảo Quang Hòa: mặc dù đã nắm chắc phần thất bại khi phải đối đầu với lực lượng địch đông gấp 10 lần và không chắc chắn là sẽ được không yểm nhưng theo Đại tá Ngạc ‘các chiến hạm VN sẽ cố gắng thi hành lịnh đổ bộ. Lực lượng đặc nhiệm sẽ làm những gì có thể được để tránh đụng độ trước khi nhận được lực lượng tăng viện, nhất là không quân.’
2.- Tiên liệu nhu cầu trận chiến
Đại tá Ngạc lo ngại nếu trận chiến bùng nỗ, lực lượng Việt Nam sẽ bị thiệt hại nặng vì ngoài việc phải chống trả chiến hạm địch, thêm vào đó ông còn phải đổ bộ quân và lực lượng này sẽ cần sự yểm trợ.
Do vậy ông yêu cầu phi cơ được phái đến tăng viện có mặt ở khu vực trong giờ đổ bộ.
3.- Nhận thức rõ tình hình, thẳng thắng trình bày yếu điểm lên cấp trên
Ông trình bày sự thật với ĐĐ Thoại tình trạng trên đảo và trên mặt biển và không ngần ngại phản biện các chỉ thị không hợp lý của ĐĐ Thoại và đây là lý do đưa đến sự can thiệp của ĐĐ Thủy.
4.- Hoàn tất đổ quân lên đảo và triệt thoái quân về tàu
Với những khó khăn và áp lực ông vẫn duy trì được kỷ luật khi hoàn tất việc đưa quân lên đảo và rút quân về tàu nhất là trong giai đoạn này tình thế cực kỳ khó khăn và bất lợi.
KHUYẾT ĐIỂM
1.- Ghi nhận không xác thực khi vừa đến vùng
Đại tá Ngạc viết: “Nhóm chiến binh thuộc Tuần dương hạm HQ16 và Khu trục hạm HQ 4 đã đổ bộ và trương quốc kỳ VNCH trên các đảo Cam Tuyền (Robert), Vĩnh Lạc (Money) và Duy Mộng (Drummond) từ mấy ngày qua vẫn được giữ nguyên vị trí phòng thủ để giữ đảo. (trang 247-HSTT)…
Khởi hành từ nam đảo Hoàng Sa để tiến về đảo Quang Hòa, 4 chiến hạm vào đội hình hàng dọc, dẫn đầu là Khu trục hạm HQ4, theo sau là tuần dương hạm HQ5 làm chuẩn hạm đã có trương hiệu kỳ hải đội, thứ ba là tuần dương hạm HQ16 và sau cùng là Hộ-tống-hạm HQ10, tốc độ chừng 6 gút,…trong khi đó thì hai chiếc chiến hạm khác nhỏ hơn mang số 389 và 396 cùng 2 chiếc ngư thuyền ngụy trang 402 và 407 của họ vẫn nằm nguyên vị trí sát bờ bắc đảo Quang Hòa. (trang 248 HSTT)
Nhận xét: Ghi nhận sai về HQ 10, cắm cờ VNCH trên đảo Duy Mộng và 2 chiếc 389 và 396.
• HQ 10: đến vùng khoảng 23:00H ngày 18/01, trong lần biểu dương lực lượng không có HQ 10. Phúc trình HQ 5 xác nhận:
• Đổ bộ và trương quốc kỳ trên đảo Duy Mộng: không có việc chiến hạm VNCH đưa người lên cắm cờ trên đảo Duy Mộng. Việc cắm cờ chỉ được thực hiện trên hai đảo Cam Tuyền và Vĩnh Lạc.
• Hai chiếc 389 và 396: không có mặt trong lúc biểu dương lực lượng, chúng đến vùng lúc 19:15H.
2.- Ra lịnh bất khả thi
Khi HQ 16 yêu cầu được tác xạ trước mũi tàu 407 đang di chuyển trên vùng nước cạn tiến vào gần đảo Cam Tuyền, ĐT Ngạc ra lịnh “HQ 16 cố gắng vận chuyển để chận tàu này và không được tác xạ nhưng cũng không để bất cứ tàu nào của TC đến gần đảo Cam Tuyền.”
Làm thế nào HQ 16 có thể vận chuyển trong vùng nước cạn để ngăn chặn chúng!
3.- Không dự liệu chiến hạm án ngữ đường tiếp viện của địch
Ông đã từng chỉ huy các đơn vị tác chiến sông ngòi, duyên hải và hạm đội. Đã có kinh nghiệm về tham mưu khi đảm nhận chức vụ Tham mưu phó Hành quân BTL/HQ trước khi đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Hải đội Tuần dương (Hải đội III) thuộc Bộ Tư lệnh Hạm đội kiêm chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Hoàng Sa.
Tuy trong bài viết đã tiên đoán về khả năng lực lượng trừ bị của địch trên đảo Phú Lâm, nhưng khi đến HS, sau khi ‘phô trương lực lượng’ ông không chỉ định một hoặc hai chiến hạm làm tuyến ngăn chặn án ngữ ngay hướng đông bắc Quang Hòa, như thế sẽ phát hiện 389 và 396 từ đảo Phú Lâm đến tăng viện và sẽ cản trở ý định của địch mang quân tăng cường lực lượng bô binh trên đảo Quang Hòa.
Hoặc cẩn thận hơn, đề nghị trì hoãn cuộc đổ bộ, yêu cầu gởi thêm chiến hạm để thực hiện tuyến ngăn chặn trước khi mở cuộc hành quân tái chiếm đảo Quang Hòa.
Tiếc thay ông đã bỏ sót điểm tối quan trọng và tối cần thiết này.
4.- Không xác định được chiến hạm địch
Có thể nói là từ lúc phát hiện 2 chiếc 389 và 396, Đại tá Ngạc và các vị hạm trưởng ngoài mặt trận không ai xác định chúng thuộc loại nào vì thế các báo cáo về BTL/HQ đều xếp chúng vào loại Kronstadt và trang bị đại bác 100 ly.
Hạm trưởng HQ 5 trong phúc trình xếp chúng vào loại Kronstadt:
Nhật ký TTHQ/HQ lúc 08:10H ngày 19/01 cũng ghi nhận chúng là loại Kronstadt, khi chiếc 389 cố tình đụng vô mũi HQ 16.
HQ Đại tá Nguyễn Xuân Sơn TL/HĐ trong bài phỏng vấn của Hải quân HK: “chúng có cả thảy 4 chiếc loại Kronstadt, trang bị tổng cộng 4 khẩu đại bác 100 ly, mỗi chiếc 1 khẩu”.
Hai chiếc T 43 đến vùng lúc 19:15H ngày 18/01. Theo Đại tá Ngạc tầm quan sát sáng ngày 19/01 từ 1,5 đến 2 hải lý và vì thế ngay chính ông cũng thú nhận: “Vì tầm quan sát còn rất hạn chế, nên từ Tuần dương hạm HQ5 không quan sát được Tuần dương hạm HQ16 và Hộ tống hạm HQ10 cũng như hai chiến hạm khác và hai ngư thuyền ngụy trang của Trung cộng”.
Có lẽ trong suốt trận hải chiến, ông và Hạm trưởng HQ 5 không nhìn tận dạng được chúng như thế nào nên không tường tận được khả năng của chúng.
Về sau này, qua HQ Thiếu tá Trần Đỗ Cẩm, ông mới biết được chúng thuộc loại T 43, nhưng vì không tự mình nghiên cứu kỹ nên đã đi đến kết luận ‘hai chiếc này chỉ là loại phụ mà thôi’.
Đây là khuyết điểm lớn của Đại tá Ngạc. Vì không quan sát tận tường 2 chiếc loại T 43 nên ông đã coi thường khi cho chúng là ‘hai chiếc chiến hạm khác nhỏ hơn mang số 389 và 396’ và tiếp theo ‘Tôi đã không chú tâm đến 2 chiếc chiến hạm nhỏ của địch vì cho rằng, hai chiếc này chỉ là loại phụ mà thôi (sau này, khi sưu tầm tài liệu về trận hải chiến Hoàng Sa, HQ Thiếu tá Trần Đỗ Cẩm truy ra theo số hiệu là loại trục lôi hạm và chắc trang bị vũ khí nhẹ hơn)’ (trang 248_TTHS)
Thực tế, 2 chiếc 389 và 396 lớn hơn 271 và 274.
Đặc biệt về trang bị vũ khí chiếc 389 ngoài khẩu đại bác 85 ly như Kronstadt, còn có 2 khẩu 37 ly, 4 khẩu 25 ly, 4 khẩu 14,5 ly hơn hẵn số lượng đại bác trên loại Kronstadt.
Chiếc 396 tuy không có 85 ly nhưng bù lại chúng có 4 khẩu 37 ly đâu có thua sút gì Kronstadt.
Và cũng tương tự khi ông ngộ nhận giữa loại Hainan và loại Komar.
5.- Không quan tâm nhiều đến phân đoàn II. Khoảng cách giữa hai phân đoàn quá xa
Đại tá Ngạc viết: “Trung tâm Chiến báo (CIC-Combat Information Center) của chiến hạm này chỉ quen dùng radar vào việc hải hành, vả lại trời mù, mây thấp, radar có nhiều nhiễu xạ nên tôi không được rõ về vị trí của Phân đoàn II và các chiến hạm của địch đang còn nằm trong khu lòng chảo Hoàng Sa. (Tuyển Tập Hải Sử_trang 252,253)
Dẫn chứng trên xác nhận là bằng mắt thường hay trên màn ảnh radar trong CIC , ông cũng không xác định được vị trí của phân đoàn II và các tàu của địch.
Vì với tầm quan sát từ 1,5 đến 2 hải lý và thêm vào đó khoảng cách giữa hai phân đội quá xa, nên từ HQ 5 ông không thể quan sát các diễn tiến của HQ 10 và HQ 16.
Theo ĐĐ Thoại: “… vào lúc này, 2 chiến hạm ta và 2 chiến hạm địch quá gần nhau. Đại tá Ngạc đặt hai chiến hạm của ông quá xa ở phía bên kia đảo. Có lẽ một quả đạn trúng HQ 16. Chiếc HQ 16 bị trúng có lẽ do đạn của ta.
Vì ở phía bên kia đảo, họ cũng đang đánh nhau.” (LTG: ĐĐ Thoại muốn nói là HQ 4 và HQ 5 quá gần 271 và 274, trong khi quá xa HQ 10 và HQ 16)
6.- Không sử dụng toán Hải kích từ HQ 5 sang HQ 16
Lúc 17:25H ngày 18/01, HQ 5 thả xuồng đưa toán Hải kích 20 nguời qua HQ 16. Từ đó cho đến khi kết thúc trận chiến toán này vẫn ở trên HQ 16.
Chính vì thế mà toán hải kích chỉ đổ bộ 22 người thay vì 42 lên đảo Quang Hòa (trưởng toán HQ Trung úy Nguyễn Minh Cảnh ở trên HQ 5 cố vấn cho Đại tá Ngạc).
Điều này đã làm sút giảm khả năng tác chiến của toán đổ bộ.
Đến nay thật sự cũng chưa có tài liệu nào giải thích rõ lý do vì sao lúc 17:25H ngày 18/01 Đại tá Ngạc ra lịnh đưa toán hải kích 20 người từ HQ 5 sang HQ 16 nhưng rồi không sử dụng.
Viện dẫn từ Hạm trưởng HQ 16 thì có lẽ là do trở ngại truyền tin: “Chiều ngày 18 tháng 1 năm 1974, khoảng 6 giờ, Đại tá Ngạc gọi máy cho tôi và ra lệnh cho tôi chỉ huy HQ 10, bằng mọi giá phải đổ bộ cho được toán người nhái lên đảo Quang Hòa. Sau khi đại tá Ngạc ra lệnh này xong, thì từ đó về sau tôi không còn nghe lệnh lạc gì thêm từ Đại tá Ngạc nữa. Đến tối ngày 18 tháng 1 năm 1974 máy liên lạc âm thoại giai tần đơn bị Trung Cộng phá rối tần số, không liên lạc được. Tôi không thể gọi Đại tá Ngạc, HQ 4 hay bộ tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải. Tôi chỉ liên lạc được với HQ 10 bằng máy PRC-45 là loại máy truyền tin xách tay, chỉ liên lạc được trong vòng 10 hải lý…Vì không có kế hoạch hành quân nên máy truyền tin bị Trung Cộng phá rối không liên lạc được mà không có tần số dự trù thay thế.”
Đại tá Ngạc nói về kế hoạch hành quân của ông như sau: “Phân đoàn II là nỗ lực phụ gồm Tuần dương hạm HQ16 và Hộ tống hạm HQ10 do Hạm trưởng Tuần dương hạm HQ16 chỉ huy. Nhiệm vụ là phân đoàn II giữ nguyên vị trí trong lòng chảo Hoàng Sa để tiến về đảo Quang Hòa vào buổi sáng…
Phân đoàn II không có bận tâm về việc đổ bộ nên có nhiều thì giờ hơn để thi hành kế hoạch tấn công và sẽ dễ dàng chế ngự được hai chiến hạm phụ của địch cùng hai ngư thuyền.”
Đại tá Ngạc xác nhận là ‘Phân đoàn II không có bận tâm về việc đổ bộ’, trong khi HT HQ 16 xác nhận chiều ngày 18/01 ông ra lịnh HQ 16 đổ bộ toán người nhái lên đảo Quang Hòa!
Hiển nhiên là ông đã có ý định sử dụng HQ 16 như là môt thành phần chủ yếu trong kế hoạch đổ bộ lên đảo Quang Hòa. Vì thế ông đã ra lịnh chuyển toán người nhái qua HQ 16.
Nếu không để làm gì? Để làm giảm tiềm năng chiến đấu của toán đổ bộ hay sao?
Nếu toán 20 Người nhái còn ở trên HQ 5, tổng số người nhái được HQ 5 đưa lên bờ sẽ là 42 thay vì 22.
Đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Chỉ có lời giải thích về mất liên lạc truyền tin như HT HQ 16 là có thể chấp nhận được.
8.- Không công tâm khi nhận xét về Hạm trưởng HQ 16.
Có thể vì lý do trở ngại truyền tin dẫn đến việc HQ 16 không đưa quân lên đảo, không nhận được chỉ thị thay đổi mục tiêu và không báo cáo diễn tiến trận chiến, ngoài ra cũng có thể còn lý do như HQ Đại úy Đào Dân cho biết là vì Trung tá Thự không đồng ý khi Đại tá Ngạc ra lịnh cho HQ 10 và HQ16 tác xạ lên đảo trong khi HQ 4 và HQ 5 tác xạ vào chiến hạm địch. (Hải Chiến Hoàng Sa 19/01/1974 – trang 405)
THNK/HQ/THĐ 47 xác nhận lúc 09:53H, Đại tá Ngạc ra lịnh ‘HQ 16 và 10 chuẩn bị tác xạ vào đảo rồi tác xạ 2 chiến hạm địch sau.’
Hai lý do trên có thể giải thích vì sao Đại tá Ngạc có lời phê bình không mấy thiện cảm với đối vói Hạm trưởng HQ 16 HQ Trung tá Lê Văn Thự: “Ngoài ra, Hạm trưởng Tuần dương hạm HQ16 là một vị sĩ quan ít tích cực hơn, nên tôi không mấy tin tưởng là vị này có thể vượt qua được các khó khăn kỹ thuật để cố gắng tiếp tục tấn công.”
Không những thế, Đại tá Ngạc còn xem thường đối tượng của phân đoàn II: “Phân đoàn II không có bận tâm về việc đổ bộ nên có nhiều thì giờ hơn để thi hành kế hoạch tấn công và sẽ dễ dàng chế ngự được hai chiến hạm phụ của địch cùng hai ngư thuyền.”
Nhận xét trên không chính xác, vì khi trận hải chiến bắt đầu Phân đoàn II phải đối chọi với lực lượng địch nhiều hơn và hỏa lực mạnh hơn Phân đoàn I, sao lại có thể cho là Phân đoàn II giữ vai trò phụ?
Vì đánh giá sai về khả năng cùa T 43 nên ông đã giao phó cho Phân đoàn II gánh vác thêm trách nhiệm đối phó với hai ngư thuyền võ trang trong khi khả năng vận chuyển và vận tốc HQ 10 bị hạn chế vì chỉ có một máy khiển dụng!
Hơn thế nửa, khu vực hoạt động của phân đoàn II nằm trong lòng chảo nhóm Nguyệt Thiềm bị giới hạn bởi đá ngầm, do vậy Hạm trưởng vừa đối đầu với địch vừa phải hết sức quan tâm đến vị trí chiến hạm để khỏi phải vướng san hô.
Cũng chính vì nhận xét không trung thực về khả năng của Hạm trưởng HQ 16 nên Đại tá Ngạc chỉ đề nghị thăng cấp cho HT HQ 4 và huy chương cho HT HQ 5 mà bỏ qua HT HQ 16. (HT HQ 16 được ân thưởng huy chương qua đề nghị khác)
9.- Đặt hy vọng quá nhiều vào HQ 4
Đại tá Ngạc kỳ vọng quá nhiều vào HQ 4. Các ghi nhận từ TTHQ/HQ và THĐ 47 đã cho thấy là ông chú trọng nhiều đến phân đoàn I, nhất là HQ 4.
“Nếu cuộc đổ bộ thất bại thì với hỏa lực của 2 khẩu 76 ly tự động trên Khu trục hạm HQ4, một chiến hạm chủ lực của Hải đoàn đặc nhiệm, sẽ có đủ khả năng loại ít nhất là hai chiến hạm chủ lực Trung Cộng ra khỏi vòng chiến không mấy khó khăn
Tôi rất vững lòng vào hỏa lực của chiến hạm chủ lực vì tôi đã được tường trình đầy đủ về khả năng của hải pháo 76 ly tự động khi Khu trục hạm này yểm trợ hải pháo tại vùng Sa Huỳnh trong nhiệm kỳ hạm trưởng của HQ Trung tá Nguyễn Quang Tộ.”
Đại tá Ngạc có vẽ rất tự tin về khả năng của 2 khẩu 76, 2 ly trên HQ 4 vì chính ông trong quá khứ cũng đã được tường trình về khả năng của chúng.
Tuy nhiên, có lẽ điều ông không nghĩ đến là yểm trợ hải pháo khác với hải chiến. Yểm trợ hải pháo khi bị trở ngại vẫn có nhiều thời gian để khắc phục, nhất là không sợ bị địch phản pháo và đây là yếu tố tâm lý rất quan trọng khi so sánh với hải chiến.
Tài liệu của Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa. (UBNC/HCHS) đã được Đại tá Khuê công bố tháng 1-2019, trong Chương IV.- ‘Phối Trí Hỏa Lực’ xác nhận mục tiêu tác xạ của HQ 4 là 271, HQ 5 là 274, HQ 10 là 396 và HQ 16 là 389.
Tuy nhiên HQ 16 tác xạ vào 396 vì tưởng HQ 10 được lịnh bắn lên đảo. (HQ 16 không nhận được phản lịnh hủy bỏ tác xạ lên đảo) và tương tự trong đợt khai hỏa đầu tiên HQ 4 tác xạ cả 274! (trang 334-HSTT)
Sự kiện HQ 16 không nhận được phản lịnh và HQ 4 khai hỏa vào chiếc 274 chứng tỏ sự thiếu sót của Đại tá Ngạc khi các chiến hạm không tường tận mục tiêu của mình. Ông ra lịnh nhưng không theo dõi xem thuộc cấp có nhận rõ và thi hành đúng chỉ thị hay không.
Ngoài ra THĐ 47 cũng ghi nhận không trung thực: “Hồi 10:24H: HQ 5 bắt đầu khai hoả. Các chiến hạm khác của ta ngay sau đó cũng khai hỏa đồng loạt.
Ngay đợt súng đầu tiên, chiến hạm địch số 274 bị trúng đạn của HQ 5, phát hoả dữ dội, bỏ chạy rồi ủi vào bờ san hô và chìm tại Tây nam đảo Duncan. 274 bị loại ra khỏi vòng chiến.
Năm phút sau HQ 4 bị trúng đạn tại đài chỉ huy.”
Khác hẵn với ghi nhận của:
• TTHQ/HQ: “10:25H: Đại tá Ngạc báo cáo chiến hạm ta đã khai hỏa vào chiến hạm địch và một chiến hạm Kronstadt của TC bốc cháy. HQ 4 bị trúng đạn ngay đài chỉ huy.”
• THNK/HQ/THĐ 47 cũng của chính Đại tá Khuê đã được ông bổ túc trong tháng 1/2019:
“ - Hồi 10:25H: HQ 4 báo cáo khai hỏa.
- Hồi 10:29H: HQ 16 báo cáo 1 tàu địch cháy. HQ 5 cháy phòng vô tuyến, không liên lạc được.
- Hồi 10:30H: HQ 4 báo cáo OTC bắn trúng 1 Kronstadt – Đài chỉ huy bị trúng đạn.”
• HQ Đại tá Hà Văn Ngạc: “Chiếc Kronstad 271 nằm về hướng tây gần đảo Quang Hòa, hướng mũi về phía tây là mục tiêu của Tuần dương hạm HQ 5 đang hướng mũi vào bờ tức là phía đông, đặt mục tiêu về phía tả hạm (tức là phía bắc). Chiếc này bị trúng đạn ngay từ phút đầu, vận chuyển rất chậm chạp nên đã là mục tiêu rất tốt cho Tuần dương hạm HQ 5…Hỏa lực của chiếc Kronstad 271 này không gây nhiều thiệt hại cho Tuần dương hạm HQ 5, nhưng có thể đã gây thiệt hại nặng cho Hộ tống hạm HQ 10 nằm về phía bắc. Khu trục hạm HQ 4 nằm về phía tây nam của Tuần dương hạm HQ 5 đặt mục tiêu là chiếc Kronstad 274 nằm về phía bắc tức là tả hạm của chiến hạm…”
Và ông đã kết luận như sau:“Mỗi bên bị tổn thất một chiến hạm, như đài BBC loan tin vào sáng sớm ngày 20 tháng giêng, phía VNCH là Hộ tống hạm HQ 10, phía Trung cộng là chiếc Kronstad 271 (được coi là chiến hạm chỉ huy) còn một số khác thì chịu một sự hư hại trung bình hoặc trên trung bình. Hai chiếc nhỏ hơn 389 và 396 cùng hai ngư thuyền ngụy trang theo tôi ước lượng chỉ hư hỏng hơi nặng mà thôi vì tầm hỏa lực của ta trội hơn. Riêng chiếc Kronstad 271 có thể bị tổn thất nhiều nhân viên hơn vì trúng nhiều hải pháo của Tuần dương hạm HQ 5 vào thượng tầng kiến trúc, trong khi đó chiếc 274 thì tổn thất được coi là nhẹ hơn cả vì chỉ bị tấn công nhiều bằng đại liên và ít hải pháo về sau này.”
Tuy nhiên ghi nhận của Đại tá Ngạc có vài điểm thiếu sót, không chính xác và không hợp lý:
- bỏ qua sự kiện lúc 10:29H HQ 16 tác xạ làm chiếc 396 bốc khói và HQ 4 tác xạ trúng làm bốc cháy chiếc 274 trong đợt khai hỏa đầu tiên.
- chỉ riêng Đại tá Ngạc cho là mục tiêu của HQ 5 là 271.
- không hợp lý vì nếu 271 ‘bị trúng đạn ngay từ phút đầu’ và phải tập trung hỏa lực đối đầu với HQ 4, HQ 5 thì sao lại ‘có thể đã gây thiệt hại nặng cho Hộ tống hạm HQ10 nằm về phía bắc’ và vẫn bám sát HQ 5?
- vì không có thời gian quan sát tường tận trận chiến, nhất là theo dõi Phân đoàn II nên ông chỉ ước lượng kết quả của Phân đoàn này. Còn Phân đoàn I, kết quả do ông viết ra cũng không xác thực.
• Hạm trưởng HQ 4 Vũ Hữu San: “Ngay sau khi nhận được lệnh tác xạ vào tàu địch, hai khẩu đại bác 76,2 ly đã chuẩn bị từ lâu, khai hỏa chính xác trúng ngay tàu địch lúc đó nằm trong khoảng cách 1,600 yards. Chỉ trong vòng vài phút đầu chiếc khronstadt 271 là soái hạm của hải đội Trung Cộng đã bị bắn cháy không còn khả năng tác chiến. có nguồn tin nói rằng chiếc tàu này sau đó phát nổ và đã bị chìm.” (trang 67 – Tài Liệu Hải Chiến Hoàng Sa).
• Phúc trình Hạm trưởng HQ 5.
Qua các dẫn chứng từ Ủy ban Nghiên cứu Hải chiến Hoàng Sa, TTHQ/HQ, Đại tá Khuê TMT Hành quân/Biển, Đại tá Ngạc và hai vị Hạm trưởng HQ 4 và HQ 5 đã cho thấy có sự không đồng nhất về mục tiêu, kết quả và các diễn tiến trong trận chiến.
Có hai lý do giải thích:
a.- Đại tá Ngạc không thông báo đầy đủ về mục tiêu của mình vì thế các chiến hạm thuộc 2 phân đoàn đều nhắm vào cùng mục tiêu ngay sau khi bắt đầu khai hỏa.
b.- các cấp chỉ huy liên quan trực tiếp đã không viết ra sự thật hoặc không được phép viết sự thật.
Phúc trình HQ 5 viết khoảng một tháng sau trận hải chiến, nếu thực sự HQ 5 bắn trúng làm 274 phát hỏa thì đây thật sự là chiến công hiển hách của HQ 5, lý do gì Hạm trưởng lại bỏ sót trong phúc trình?
Đại tá Ngạc không nói rõ HQ 4 hoặc HQ 5 bắn trúng chiếc 274, tuy nhiên qua các dẫn chứng trên đủ để xác định là đại bác 76,2 trước mũi của HQ 4 trước khi bị trở ngại đã bắn trúng Kronstadt số 274 làm chiếc này bốc khói. Tài liệu TC xác nhận 274 cũng bị trúng đạn 76 lẫn 127 ly, khói bốc lên, hệ thống lái điện bất khiển dụng.
Riêng ghi nhận của Hạm trưởng HQ 4 cũng không chính xác khi cho là ‘chỉ trong vòng vài phút đầu, chiếc Kronstadt 271 là soái hạm của hải đội TC đã bị bắn cháy không còn khả năng tác chiến’. Trong khi thực sự chính HQ 4 đã tác xạ trúng 274 và chiếc này bốc khói tuy nhiên vẫn còn khả năng tác chiến.
Đây là lý do duy nhất vì sao Đại tá Ngạc đề nghị “Thăng cấp đặc cách tại mặt trận” cho HQ Trung tá Vũ Hữu San Hạm trưởng HQ 4, trong khi qua bài viết ông tỏ vẻ thất vọng về trở ngại tác xạ của khẩu 76,2 ly trước mũi của HQ 4.
Ngoài ra, Đại tá Ngạc ở trên HQ 5, nếu HQ 5 bắn trúng chiếc 274 người được ông đề nghị thăng cấp tại mặt trận phải là HQ Trung tá Phạm Trọng Quỳnh Hạm trưởng HQ 5.
11.- Trở ngại truyền tin giữa Phân đoàn I và Phân đoàn II
Thực sự không hẵn đã có trở ngại liên tục từ chiều 18/01 cho đến khi rời vùng. Một vài dẫn chứng xác nhận đã có sự liên lạc giữa Đại tá Ngạc và HQ 16 trong khoảng thời gian này.
••• Ngày 18/01:
- liên lạc: lúc 17:25H ngày 18/01 khi HQ 5 thả xuồng đưa 20 Hải kích qua HQ 16.
- mất liên lạc: khoảng 6 giờ, HT HQ 16 cho biết: “Đại tá Ngạc gọi máy cho tôi và ra lệnh cho tôi chỉ huy HQ-10, bằng mọi giá phải đổ bộ cho được toán người nhái lên đảo Quang Hòa. Sau khi Đại tá Ngạc ra lệnh này xong, thì từ đó về sau tôi không còn nghe lệnh lạc gì thêm từ Đại tá Ngạc nữa.
Đến tối ngày 18 tháng 1 năm 1974 máy liên lạc âm thoại giai tần đơn bị Trung Cộng phá rối tần số, không liên lạc được. Tôi không thể gọi Đại tá Ngạc, HQ 4 hay bộ tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải. Tôi chỉ liên lạc được với HQ 10 bằng máy PRC-25 là loại máy truyền tin xách tay, chỉ liên lạc được trong vòng 10 hải lý…Vì không có kế hoạch hành quân nên máy truyền tin bị Trung Cộng phá rối không liên lạc được mà không có tần số dự trù thay thế.”
Trung sĩ Giám lộ Đặng Quốc Tuấn thuộc HQ 16: “Khoảng chiều tối ngày 18-01-1974, Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 đã ra đến nơi, lúc này ở trên đảo Vĩnh Lạc (Money) chúng tôi nhận được bản mã văn mới, sau khi dịch mã thì đó là 3 tần số khác nhau, 1 để liên lạc trực tiếp với chiến hạm, 1 với các toán đổ bộ, và 1 với đài khí tượng ở đảo Hoàng Sa, vì tần số các chiến hạm xử dụng tần số âm thoại đơn ngắn SSB (Single.Side.Bandmodulation) đã bị phát hiện, sóng vô tuyến đã bị chen vào phá rối, thỉnh thoảng nghe ra hàng loạt tiếng Tàu, do đó các chiến hạm chuyển sang xử dụng loại máy truyền tin VRC46 và PRC25”
(Bài ‘TƯỜNG THUẬT CỦA MỘT CHỨNG NHÂN TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA Ngày 19/01/1974’ của Đặng Quốc Tuấn).
Ngoài ra trong lần phỏng vấn do Hải quân HK thực hiện ngay sau khi về căn cứ Clark, Kosh thuật lại ‘Rõ ràng là TC đã biết anh có mặt trên đảo (Kosh cho là có thể TC đã chận bắt bản văn được chuyển đi qua hệ thống giai tần đơn liên quan đến sự hiện diện của Kosh)’.
Trở ngại truyền tin đã thể hiện một cách rõ rệt qua sự kiện HQ 16 không nhận được lịnh đưa toán Hải kích lên đảo Quang Hòa trong sáng ngày 19/01.
••• Ngày 19/01
- mất liên lạc từ 09:30H đến 10:00H: Thượng sĩ Giám lộ Lữ Công Bảy qua bài viết ‘Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân’ có đề cập: “ Trong thời gian này, những thông tin liên lạc giữa Hoàng Sa và Đà Nẵng dù rất gần (170 hải lý) nhưng không thể thực hiện được. Tần số liên lạc bị phá rối, trên hệ thống máy bộ đàm chỉ nghe toàn tiếng Hoa.”
Sau đó, khi hải chiến bắt đầu: “HQ-4 liên lạc mãi với HQ-10 và HQ-16 không được.” Và HQ 4 chỉ biết được tình trạng HQ 10: “Trong bộ đàm tôi đã nghe thấy tiếng bạn tôi là trung sĩ nhất giám lộ Vương Thương báo cáo tàu đã bị trúng đạn, Hạm trưởng Thà đứt đầu, Hạm phó Trí bị thương nơi bụng. Sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ trên đài chỉ huy đều tử thương và bị thương.”
Chi tiết trên cho thấy trước và sau khi bắt đầu hải chiến đã có trở ngại truyền tin, HQ 4 chỉ biết được tình trạng HQ 10 qua hệ thống truyền tin nội bộ, nhưng không thể trực tiếp liên lạc với HQ 10 và HQ 16.
THNK/HQ/THĐ 47 lúc 10:50H ghi nhận HQ 16 bên hữu nước vô hầm máy B1 (NK) (trang 365 TTHS).
Điểm cần nhấn mạnh là sự kiện này lấy ra từ nhật ký của HQ 16, có nghĩa là Đại tá Khuê chỉ biết được sau khi trận hải chiến chấm dứt, HQ 16 đã trở về Sài Gòn.
Tiếp theo lúc 11:00H, HQ 4 báo cáo về V1DH là HQ 10 nhiệm sở đào thoát, trùng hợp với Thượng sĩ Bảy khi ông cho là nghe HQ 10 báo cáo qua bộ đàm và lúc 11:10H HQ 4 báo cáo HQ 16 còn có một máy.
(bài viết của Th/sĩ Bảy gần đây bỏ qua đoạn trở ngại truyền tin?)
- liên lạc: theo Đại úy Đào Dân, thoạt đầu Đại tá Ngạc muốn HQ 10 và HQ 16 tác xạ lên đảo, nhưng sau khi trao đổi ý kiến với Hạm trưởng Thự Đại tá Ngạc đổi ý chỉ định HQ 10 tác xạ lên đảo, HQ 16 tác xạ vô tàu địch.
Hoàn tất rút quân về tàu Đại tá Ngạc liên lạc với cấp chỉ huy để nhận lệnh đối phó. Khoảng sau 10 giờ là lúc Đại tá Ngạc cần phải liên lạc với các Hạm trưởng để phân chia nhiệm vụ. Th/sĩ Bảy cũng đề cập đến ‘trước khi chuẩn bị nổ súng đại tá Ngạc có hỏi ý kiến từng hạm trưởng’.
- mất liên lạc: tuy nhiên khi Đại tá Ngạc ra “phản lệnh không bắn lên đảo nữa nhưng HQ 16 không nhận được”. (trang 334_TTHS-2018)
Cũng vì thế HQ 10 không được chỉ định mục tiêu trên biển, do vậy cả HQ 10 lẫn HQ 16 đều khai hỏa vô chiếc 396.
Từ lúc đến vùng chỉ có 1 báo cáo duy nhất của HQ 10 lúc 03:30H sáng 19/01 cho đến khi chấm dứt trận chiến TTHQ/HQ, THĐ 47 và THNK/HQ/THĐ 47 không ghi nhận bất cứ liên lạc trực tiếp nào giữa HQ 10 và Phân đoàn I.
Theo hệ thống chỉ huy, HQ 10 dưới quyền chỉ huy của HT HQ 16, nên Đại tá Ngạc chỉ liên lạc trực tiếp với Tr/tá Thự. Qua bài viết Tr/tá Thự có liên lạc với Th/tá Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng HQ 10, như vậy giữa HQ 16 và HQ 10 không có trở ngại truyền tin.
Sau khi HQ 16 rời vùng, khi ngang đảo Vĩnh Lạc, liên lạc giữa Hạm trưởng HQ 16 và toán nhân viên cơ hữu đã được Kosh ghi nhận: “HQ 16 nghiêng nhiều về bên trái và dường như trở về Đà Nẵng. HQ 16 đã liên lạc vô tuyến với toán lính trên đảo khi đến khoảng giữa đảo.” và qua Đặng Quốc Tuấn: “Bất chợt, người bạn trong nhóm chúng tôi anh Trần Phừng (vô tuyến) nhận được ám ngữ muốn nói chuyện với Trung úy Liêm trưởng toán, đó là hạm trưởng HQ16 chúng tôi, ông cho hay tình hình rất tệ hại … tàu không thể dừng lại rước chúng tôi được …do đó ông trao toàn quyền quyết định cho Trung úy Liêm.”
Tài liệu TC cũng cho thấy chúng đã xâm nhập vào hệ thống truyền tin: “Lúc 21:00H ngày 18/01, Hạm đội Nam hải chặn bắt được công điện gởi từ giới chức cao cấp đến Hạm đội Hải quân Việt Nam. Nội dung là Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ra lịnh “lấy lại các đảo thuộc về lãnh thổ Việt Nam và đổ bộ lên đảo bằng đường lối ôn hòa” http://www.mdc.idv.tw/mdc/navy/china/t43.htm
Suốt cuộc chiến, Đại tá Ngạc không quan sát, không liên lạc được với phân đoàn II. Hầu hết thời gian ông quan tâm đến phân đoàn I và cố gắng liên lạc để hy vọng có không yểm.
Ông không thể quan sát bằng mắt thường và trên màn ảnh radar, điều này có thể hiểu được vì yếu tố thời tiết. Nhưng còn hệ thống truyền tin, vì lý do gì không liên lạc được? Có phải vì trở ngại truyền tin như đã dẫn chứng nên kể từ chiều 18/01 cho đến khi trận hải chiến hầu như chấm dứt không có liên lạc gì giữa Hạm trưởng HQ 16 và ông.
Khi Đại tá Ngạc nhận báo cáo qua HQ 4 thì HQ 10 và HQ 16 đang ở trong tình trạng nguy ngập.
Chính ông xác nhận là trước khi khai hỏa, ông không rõ hoạt động của phân đoàn II như thế nào, có nghĩa là ông không liên lạc được qua hệ thống truyền tin, vì nếu liên lạc được HQ 16 hoặc HQ 10 tất nhiên ông sẽ được báo cáo đầy đủ. Tuy nhiên ông vẫn ra lịnh khai hỏa.
Chương IV.- ‘Phối Trí Hỏa Lực’ trong phần ‘Thuyết Trình của Tiểu Ban Chiến Thuật’ xác nhận là khi Đại tá Ngạc ra “phản lệnh không bắn lên đảo nữa nhưng HQ 16 không nhận được” (trang 334_TTHS-2018)
Rõ ràng là có trở ngại truyền tin, nhưng Đại tá Ngạc viết là các hạm trưởng đích thân lên máy lần lượt báo cáo sẵn sàng!
Bài ông viết cho thấy có hai lần ông ở trong Trung tâm Chiến báo - CIC (Combat Information Center).
• Lần thứ 1: báo cáo chiến hạm ta bắt đầu khai hỏa, không rõ ông ra khỏi CIC lúc nào.
Và sau khi CIC bị trúng đạn phát hỏa, ông sử dụng bình cứu hỏa dập tắt ngọn lữa, tiếp tục liên lạc với phi cơ từ 5 đến 10 phút nhưng không được đáp ứng nên ngưng và đổi qua tần số liên lạc với chiến hạm cho đến khi khẩu 127 ly trên HQ 5 bất khiển dụng, máy siêu tần số SSB không liên lạc được ông ra khỏi CIC.
- lúc 10:47H: Đại tá Ngạc hỏi V1DH khi nào phi cơ sẽ đến?
- lúc 10:49H: Tham mưu phó Hành quân/BTL/HQ thông báo Đại tá Ngạc là phi cơ đang bay đến để yểm trợ, giữ bình tĩnh và tác xạ chính xác.
Các ghi nhận từ TTHQ/HQ có phần nào trùng hợp với đoạn viết trên của Đại tá Ngạc, chứng tỏ là lúc 10:49H ông vẫn còn ở trong CIC liên lạc về không yểm.
- lúc 10:49H HQ 16 bị đạn hầm máy. Mất điện.
- lúc 10:50H HQ 16 bên hữu nước vô hầm máy B1. (NK), ghi nhận này lấy trong NHẬT KÝ của HQ 16 có nghĩa là chỉ biết được sự kiện này qua phúc trình của HQ 16 sau khi trận hải chiến kết thúc, chứng tỏ Đại tá Ngạc chỉ biết được HQ 16 trúng đạn từ HQ 5 qua báo cáo của HQ 4 (nghe qua máy PRC 25) lúc 11:10H sau khi HQ 4 và HQ 5 đã rút lui.
- lúc 10:51H Đại tá Ngạc gọi HQ 16, như vậy lúc này ông đã ra khỏi CIC và đang ở trên đài chỉ huy. Các diễn tiến trên cho thấy là thời gian chính mắt ông quan sát trận chiến không được nhiều, có lẽ chừng khoảng 15 phút.
Sau khi trở lên đài chỉ huy, lúc 11:00H ông ra lịnh rời vùng. Do vậy, hầu hết những gì ông ghi chép về diễn tiến trận hải chiến có lẽ do từ phúc trình của các chiến hạm mà ông còn nhớ và những báo cáo giữa các Hạm trưởng mà hầu hết là từ HQ 5.
Bài viết của ông chỉ đề cập đến HQ 10 và HQ 16 có vài hàng lúc 11:01H khi 16 báo cáo bị trúng đạn hầm máy và HQ 10 đang nhiệm sở đào thoát.
13.- Không tiếp cứu HQ 10
Trong trường hợp này, Đại tá Ngạc trong cương vị sĩ quan chỉ huy chiến trường, nếu cảm thấy bắt buộc phải có trách nhiệm không bỏ rơi đồng đội nhất là khi đồng đội đang lâm nạn, đang đào thoát ông vẫn có thể ra lịnh HQ 4 và HQ 5 rút lui theo hướng giữa Hoàng Sa và Cam Tuyền, có nghĩa là quay vào trong lòng chảo, như thế chắc chắn là ông sẽ bắt gặp được HQ 10 và ít nhất cũng vớt được hầu hết các chiến sĩ trên HQ 10 đang nổi trôi trên các bè.
Một vài giới chức cao cấp quân và dân sự đã lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ từ chối lời yêu cầu cứu vớt chiến sĩ HQ 10 đào thoát.
Tuy nhiên thật sự trách nhiệm này phải là của chính hải quân, của quân đội và của chánh quyền VNCH, Tiếc thay phản ứng của các cấp chỉ huy trực tiếp trong và sau trận chiến đã làm trì hoãn cuộc tiếp cứu và đã làm gia tăng thương vong.
Đại tá Ngạc trách đồng minh Hoa Kỳ ‘chúng ta không nhận thấy một hành động nhân đạo nào từ phía đồng minh kể cả của phi cơ không tuần’.
Nếu đây là lời chỉ trích của người ngoài cuộc, cũng phần nào chấp nhận, nhưng đây là do tự chính Đại tá Ngạc - vị chỉ huy ngoài mặt trận - viết ra.
Xin hỏi đây có phải là trách nhiệm của Hoa Kỳ hay là trách nhiệm và bổn phận của chính ông, vị sĩ quan trực tiếp chỉ huy cuộc chiến???
Kết luận của Ủy Ban dù ngắn gọn nhưng đã cho thấy 4 điểm quan trọng:
• Thứ 1: Đại tá Ngạc không theo dõi chính xác diễn tiến hoạt động của các phân đoàn.
• Thứ 2: Đại tá Ngạc không điều động để yểm trợ hỗ tương giữa các phân đoàn.
• Thứ 3: Chiến trận dứt, có nghiã là không còn đe dọa nào về phía địch.
• Thứ 4: Mặc dù chiến trận dứt, tuy nhiên Đại tá Ngạc không thực hiện công tác tiếp cứu các đơn vị và nhân viên lâm nạn ngay sau đó.
Ngoài ra trong phần Thuyết trình của Tiểu ban Chiến thuật trong Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa cũng nêu ra khuyết điểm tương tự, nhìn nhận trách nhiệm của chính Hải quân trong việc cứu vớt nhân viên đào thoát từ HQ 10. (trang 335-TTHS/2019).
Hai kết luận trên của Ủy Ban Nghiên Cứu Hải Chiến Hoàng Sa do Đề đốc Lâm Ngươn Tánh Tư lệnh phó Hải quân làm Chủ tịch đã xác định người chịu trách nhiệm tiếp cứu không ai khác hơn ngoài Đại tá Ngạc.
Lúc 10:49H và 10:50H HQ 16 bị đạn hầm máy, mất điện và nước vô hầm máy. Tiếp theo lúc 10:55H TTHQ/Biển mất liên lạc HQ 16, ngay sau đó vào đó lúc 11:00H HQ 10 nhiệm sở đào thoát.
Hai chiến hạm này đang ở trong tình trạng hiểm nghèo, HQ 10 rõ ràng đang đào thoát, HQ 16 có thể sắp chìm …nếu lo âu đến số phận HQ 10 và HQ 16, nếu nhận thức tình hình một cách sáng suốt, quyết tâm không bỏ rơi đồng đội đang lâm nguy, ông vẫn có thể rút lui về hướng Tây Bắc vì nếu đi theo hướng này vẫn có cơ hội nhìn thấy HQ 10 đang đào thoát và vẫn còn đủ thời gian để cứu vớt nhân viên và có thể mang HQ 10 về ủi lên cạn đảo Hoàng Sa.
Ngoài ra còn bắt kịp được HQ 16 để trợ giúp khi cần trên đường trở về Đà Nẵng.
Ông đã ra lịnh HQ 4 và 5 vẫn còn khiển dụng rút khỏi vòng chiến quá sớm, trong khi thực tế không có một sự đe dọa nào từ phía địch. Và hình như không thấy ông có chút cố gắng nào để tìm hiểu tình trạng của HQ 10 và HQ 16, nhất là sau khi ông đã được báo cáo HQ 10 trúng đạn và đang đào thoát.
Trong bài phỏng vấn, Đại tá Sơn trả lời là ‘Chỉ huy trưởng hải đoàn (Đại tá Ngạc) nói với ông là ông ấy thấy trên màn hình radar 4 đối tượng với vận tốc cao từ đảo Phú Lâm ở gần đó khoảng 40 hải lý và ông đã đọc báo cáo của radar và nhìn thấy đối tượng …’
Dẫn chứng trên từ Đại tá Sơn không xác thực vì lúc 11:07H radar trên HQ 4 và HQ 5 đều bất khiển dụng và tất cả các tài liệu phổ biến đều xác nhận phát hiện chúng bằng mắt thường (có thể kèm theo viễn vọng kính) tuy đối tượng chỉ là 2 hoặc 3.
Vị trí HQ 5 lúc 11:00H chỉ cách HQ 10 khoảng dưới 10 hải lý,
Lúc 11:50H HQ 4 báo cáo thêm 3 Phi tiễn đĩnh Komar đến tăng cường lực lượng TC và đang tiến về hướng đảo Quang Hòa.
Thực tế đây là 2 chiếc 281 và 282 tăng viện của TC đến vị trí HQ 10 lúc 12:12H, như vậy HQ 5 có khoảng hơn 30 phút để thi hành công tác tiếp cứu HQ 10, và nếu như HQ 4 và HQ 5 còn quanh quẩn gần HQ 10 liệu tàu TC 281 và 282 có dám tấn công?
Cần ghi nhận là chính Đại tá Ngạc xác nhận HQ 5 lúc bấy giờ còn 1 khẩu đại bác 40 ly đơn khiển dụng (hữu) và Hạm trưởng HQ 5 cũng xác nhận tương tự tuy nhiên là khẩu bên tả.
‘Bảng so sánh tình trạng vũ khí khiển dụng’ của UBNC cho thấy:
- HQ 4 vẫn còn khiển dụng khẩu 76,2 ly sau lái, tuy nhiên rất chậm và súng cối 81 ly
- HQ 5 vẫn còn khiển dụng khẩu 40 ly đơn, súng cối 81 và đại liên 50.
- HQ 4 và HQ 5 có trang bị đại bác 20 ly, tuy nhiên không rõ tình trạng.
Chứng tỏ các vũ khí còn trong tình trạng khiển dụng của HQ 4 và HQ 5 cũng đủ đối đầu với địch.
Về phía địch, chúng cũng bị tổn thất nặng, không còn tinh thần chiến đấu đang rút lui về hướng đảo Quang Hòa và Duy Mộng.
Điểm cần nhấn mạnh nơi đây là vì Đại tá Ngạc không nhận định tình trạng chiến trường một cách chính xác và có cái nhìn tiêu cực về khả năng chiến đấu của HQ 4, HQ 5 thêm vào đó có thể vì ông ‘không thể để bị thiệt hại một khu trục hạm mà HQVN chỉ có tổng cộng 2 chiếc mà thôi’ và cũng có thể vì ông không thể để mất thêm một soái hạm mà trên đó có ông?
Do vậy lúc 11:00H ông ra lịnh di tản khỏi vùng giao chiến trong khi phải mất đến 50 phút sau (lúc 11:50H) mới phát hiện lực lượng TC đến tăng cường.
Có sự trùng hợp về thời gian giữa phúc trình của HQ 5 và bài viết THĐ 47 năm 2004 vì cả hai đều cho là chiến hạm VN rút ra khỏi vòng chiến lúc 11:00H với lý do là ‘quan sát thấy chiến hạm TC nghi ngờ là Komar đến tiếp viện.’
Và thật ngẫu nhiên HQ Trung tá Vũ Hữu San Hạm trưởng HQ 4 cũng ghi nhận tương tự:
“lúc khoảng 11 giờ sáng các chiến hạm VNCH quan sát thấy có bốn lượng sóng lớn trắng xóa đang tiến tới từ hướng Đông Bắc với vận tốc rất nhanh và có tin các phi tiễn đĩnh loại komar của địch đang trên đường đến tiếp viện.” (Tài liệu Hải Chiến Hoàng Sa/Vũ Hữu San & Trần Đỗ Cẩm/tháng 1-2004/trang 68)
Trong khi nhật ký TTHQ/HQ ghi nhận:
“lúc 11:50H: HQ 4 báo cáo thêm 3 Phi tiễn đĩnh Komar đến tăng cường lực lượng TC và đang tiến về hướng đảo Quang Hòa.”
Và trong THNK/HQ/THĐ 47ghi nhận lúc 1100H ‘HQ 5 di tản khỏi vòng chiến’ và lúc 1153H ‘HQ 4 báo cáo Trung Cộng tăng cường thêm 03 Komar’.
Tuy báo cáo là 3 Komar, nhưng thực ra đây chỉ là 2 chiếc loại Hainan mang số 281 và 282.
Điểm trùng hợp giữa phúc trình HQ 5 và THĐ 47 năm 2004 nếu đối chiếu với tài liệu TTHQ/HQ và THNK/HQ/THĐ 47 sẽ nhận ra ngay là Hạm trưởng HQ 5 đã không được phép viết ra sự thật trong phúc trình của ông.
Bài viết “Kiểm Chứng Sự Kiện” đã xác nhận là lúc 11:00H HQ 5 đã rút ra khỏi vòng chiến không phải vì sự phát hiện 3 Phi tiễn đĩnh mà vì do chính quyết định của Đại tá Ngạc.
Có vài lý do giải thích quyết định rút khỏi vòng chiến của Đại tá Ngạc:
• Không hy vọng không yểm.
• Không rõ tình trạng Phân Đoàn II.
• Tình trạng suy giảm khả năng chiến đấu của Phân đoàn I vì trước đó ông đã ra lệnh cho Khu trục hạm HQ 4 phải rút ra khỏi vòng chiến và sau đó lúc 10:50H HQ 5 báo cáo tình trạng súng hầu như bất khiển dụng trong khi đó chiếc 271 và 396 hợp lực tấn công HQ 5.
Ghi nhận không trung thực của Đại tá Khuê trong THĐ 47, của Đại tá Ngạc trong bài viết của ông và của Hạm trưởng HQ 5 trong phúc trình không ngoài lý do chỉ để biện minh cho quyết định di tản khỏi vòng chiến và không thể tiếp cứu HQ 10 của Đại tá Ngạc là hợp lý. (xem bài Kiểm Chứng Sự Kiện)
KẾT LUẬN
Với trách nhiệm chỉ huy trực tiếp trận hải chiến Hoàng Sa, Đại tá Ngạc đã cố gắng thi hành nhiệm vụ trong tình trạng cực kỳ khó khăn và đôi lúc bất khả thi. Tuy nhiên ông đã mắc phải 5 lỗi lầm quan trọng:
• Thứ 1: không quan tâm đến phân đoàn II trong đó có HQ 10 và HQ 16.
• Thứ 2: ước lượng sai khả năng của loại T 43 vì thế phân đoàn II phải gánh vác trách nhiệm nặng hơn trong khi khả năng tác chiến của HQ 10 bị hạn chế vì chỉ có 1 máy khiển dụng.
• Thứ 3: thiếu chuẩn bị trước khi khai hỏa, lệnh chỉ định mục tiêu không rõ ràng, chiến hạm không thông suốt mục tiêu của mình vì thế đã đưa đến việc lầm lẫn mục tiêu. Điển hình HQ 10 và HQ 16 cùng tác xạ chiếc 396, trong khi HQ4 và HQ 5 cùng tác xạ vào chiếc 274.
• Thứ 4: ước tính sai tình hình vì thế ông ra lịnh rút lui quá sớm trong khi chưa có sự đe dọa nào từ phía địch quân.
• Thứ 5: thiếu tình đồng đội khi bỏ rơi HQ 10 đang đào thoát và HQ 16 đang trong tình trạng nguy ngập.
Và có lẽ vì các lỗi lầm trên nên mặc dù là vị Sĩ quan chỉ huy chiến trận ông đã không được đề nghị ân thưởng bất cứ huy chương nào.
Tuy nhiên lịch sử cũng sẽ nhớ đến ông là vị Sĩ quan đã chỉ huy lực lượng hành quân chiếm đóng đảo Nam Yết trong tháng 8/1973.
Vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử, chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa đã chánh thức thiết lập sự hiện diện thường trực của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa.
*********************
BỔ TÚC
THỜI GIAN RỜI VÙNG VÀ THỜI GIAN PHÁT HIỆN TÀU TĂNG VIỆN TC 281 và 282
Hầu hết các bài do nhân chứng trong cuộc viết đều xác định đây là loại phi tiễn đĩnh Komar và con số từ 2 đến 4 chiếc. Tuy nhiên gần đây đã được xác định là 2 chiến hạm loại Hainan mang số 281 và 282.
• TTHQ/HQ: lúc 11:50H HQ 4 báo cáo thêm 3 Phi tiễn đĩnh Komar đến tăng cường lực lượng TC và đang tiến về hướng đảo Quang Hòa.
• THĐ 47: Hồi 11:00H, HQ 5 phát hiện 3 tầu lạ và 2 phi cơ cách 5 hải lý về hướng Đông Bắc. Tầu lạ có hình dáng giống như Phi tiễn đĩnh Komar của Hải quân Ttrung Cộng và phi cơ giống như phản lực cơ Mig. Do đó, để chỉnh đốn tình trạng khiển dụng đồng thời vận chuyển để đề phòng phi cơ và hoả tiễn của địch, HQ 4 và HQ 5 di chuyển về phía Tây Nam với vận tốc tối đa, trong khi HQ 16, vừa cứu thuỷ vừa di chuyển về phía Tây Bắc.
• THNK/HQ/THĐ 47
- 11:00H di tản khỏi vùng giao chiến
- 11:53H HQ 4 báo cáo TC tăng cường thêm 3 komar
• Đại tá Ngạc.
- do chính ông viết: “Bất thần về phía đông vào khoảng 11:25 sáng cách xa chừng 8 đến 10 hải lý, xuất hiện một chiến hạm của Trung cộng loại có trang bị mỗi bên một dàn phóng kép hỏa tiễn loại hải hải (Ghi chú của Trần Đỗ Cẩm: đây là loại khinh tốc đĩnh Komar) đang tiến vào vùng giao tranh với một tốc độ cao, quan sát được bằng mắt viễn kính và không một chiến hạm nào báo cáo khám phá được bằng radar từ xa.”
- qua HQ Đại tá Nguyễn Xuân Sơn TL/HĐ trong bài phỏng vấn của HQHK: “Chỉ huy trưởng hải đoàn (Đại tá Ngạc) nói với ông là ông ấy thấy trên màn hình radar 4 đối tượng với vận tốc cao từ đảo Phú Lâm ở gần đó khoảng 40 hải lý và ông đã đọc báo cáo của radar và nhìn thấy đối tượng …………..’
• Hạm trưởng HQ 4: “...... các chiến hạm VNCH quan sát thấy có bốn lượng sóng lớn trắng xóa đang tiến tới từ hướng Đông Bắc với vận tốc rất nhanh và có tin các phi tiễn đĩnh loại Komar của địch đang trên đường đến tiếp viện. Trước tình thế bất lợi, vả lại các chiến hạm chính của địch tham chiến cũng đã bị hư hại, Đại tá Hà Văn Ngạc, SQ/CHCT đã ra lệnh cho các chiến hạm VNCH rời vùng giao tranh để bảo toàn lực lượng. Khi rời khỏi vùng giao tranh vào khoảng 11 giờ sáng ngày 19/1 ….. …Phiá TC cũng không còn sức để đuổi theo vì tất cả các chiến hạm tham chiến đều đã bị chìm hay lên cạn.”
(trang 68 – Tài Liệu Hải Chiến Hoàng Sa)
• Hạm trưởng HQ 5: “trong khi đó ta quan sát thấy xuất hiện thêm 03 chiến hạm địch ở hướng Nam đảo Quang Hòa. Trước tình thế này để bảo toàn chủ lực, Sĩ quan Chỉ huy Chiến thuật ra lệnh di tản khỏi vùng giao chiến vào lúc 1100H. Chiến hạm địch có lẽ cũng bị thiệt hại nặng nên không tiếp tục đuổi theo và quay trở lại đảo.”
(phúc trình HT HQ 5 gởi TL/V1DH ngày 21 tháng 2/1974).
• HQ Trung úy Bùi Ngọc Nở thuộc HQ 5: [Đến khoảng 11:00H, thấy tình hình hoàn toàn bất lợi, Ðại tá Ngạc ra lệnh “di tản chiến thuật”, HQ 5 tăng máy rời vùng lửa đạn, hướng về phía Nam, sau đó đổi sang hướng Tây, chiến hạm Trung Cộng đuổi theo một đọan thấy vô ích nên quay trở lại.]
• HQ Trung úy Trương Văn Liêm thuộc HQ 5: “Từ phía chân trời phía bắc, tôi thấy hai vệt sóng trắng chạy rất nhanh, càng lúc càng rõ hơn. Tôi báo cáo cho Đại tá Ngạc và Hạm trưởng. Ông chỉ thị nhân viên quan sát theo dõi,báo cáo. Đồng thời chỉ thị cho CIC xác định hướng và vận tốc.
Vài phút sau họ báo cáo vận tốc 35knots và hướng 195, khoảng cách 25 hải lý. Đại tá Ngạc buột miệng:
“Komar” và ông ra lịnh đổi cấp 180 tiến full. Lúc này khoảng 11:00 sáng.”
NHẬN XÉT.
1.- Số lượng chiến hạm và loại:
Hầu hết đều cho đây là loại Komar và từ 3 đến 4 chiếc, ngoại trừ Trung úy Liêm viết là 2 chiếc và Trung úy Nở không ghi nhận phát hiện tàu TC.
2.- Thời gian rời vùng:
- hầu hết đều cho là 11:00H,
- Đại tá Ngạc viết là 11:25H.
Điểm cần nêu ra nơi đây là TTHQ không nhận được báo cáo rời vùng.
3.- Thời gian phát hiện tàu TC:
- hầu hết đều ghi nhận lúc 11:00H.
- Đại tá Ngạc cho là lúc 11:25H
- TTHQ/HQ lẫn THNK/HQ/THĐ 47 đều ghi nhận khoảng 11:50H HQ 4 phát hiện 3 Komar.
4.- Duy nhất chỉ có THĐ 47 ghi nhận lúc 11:00H, HQ 5 phát hiện 3 tầu lạ lẫn 2 phi cơ chỉ cách 5 hải lý về hướng Đông Bắc! (phúc trình HQ 5 không ghi nhận phát hiện phi cơ)
5.- Dẫn chứng từ Đại tá Sơn không xác thực vì lúc 11:07H radar trên HQ 4 và HQ 5 đều bất khiển dụng và lúc này Đại tá Ngạc đang ở trên đài chỉ huy, tất cả tài liệu phổ biến đều xác nhận phát hiện chúng bằng mắt thường (có thể kèm theo viễn vọng kính) tuy đối tượng từ 2 đến 4.
GHI CHÚ
• Tài liệu THNK/HQ/THĐ 47 được phổ biến tháng 1/2018 và tái phổ biến tháng 1/2019.
No comments:
Post a Comment