Thursday, January 25, 2024

HQ đại úy đào dân, HQ 16,HQ10,HQ4, HQ 5, HQ đại tá hà văn ngạc, sự thật hải chiến hoàng sa, k18, hoàng sa, quang hòa, duy mộng, 271,274

 

Bài nói chuyện trong buổi ra mắt sách ‘’Sự thật Hải chiến Hoàng Sa" của Thềm Sơn Hà ngày 11 tháng 1 năm 2015

                                      Trích từ Facebook của HQ Đại úy Đào Dân

 


Kính thưa ông cựu thứ trưởng, kính thưa quý liệt vị quan khách, kính thưa quý niên trưởng, kính thưa quý chiến hữu và kính thưa tất cả các bạn.

Tôi là một cựu sĩ quan Hải Quân, xuất thân khóa 18 của Hải Quân Nha trang, là khóa đàn em của Niên trưởng Thềm Sơn Hà, là tác giả của tập sách “Sự thật Hải chiến Hoàng Sa 19 tháng 1 năm 1974 ”mà một số quý vị đang cầm trên tay.

Sở dĩ mà tôi có được cái vinh dự hôm nay đứng đây nói chuyện với quý vị là vì tôi đã tham dự vào trận hải chiến này, dù một cách tình cờ. Tình cờ bởi vì chỉ chưa đầy hai tháng trước trận chiến, Sau khi tốt nghiệp khóa 2/73 Trung cấp Hải Quân ở Trung Tâm huấn luyện Hải Quân Sài gòn thì đáng lẽ theo thứ tự ưu tiên, tôi được quyền chọn một đơn vị khác, không tác chiến, và ở gần Sài Gòn.

Nhưng vì lòng quyến luyến với quê hương cày lên sỏi đá của tôi mà tôi đã chọn HQ16, Tuần dương hạm Lý thường Kiệt, một đơn vị hải hành tác chiến, có thể sẽ đi tuần tiễu tại vùng I Duyên hải để mình còn có cơ duyên mà thăm lại thân nhân và bạn bè mình ở đó. Một trận chiến mà tôi đã tham dự một cách tình cờ như vậy lại trở thành một trận chiến lịch sử. Dù tầm vóc của nó không lớn, và thời gian của trận chiến cũng không kéo dài nhưng vì đây là một cuộc chiến chống ngoại xâm, mà những tên giặc ngoại xâm đó là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam trong suốt hơn hai ngàn năm, kể từ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, và cho đến hôm nay.

Dù thời gian qua đi, trăm năm sau, ngàn năm sau, trận chiến này vẫn sẽ được ghi khắc vào trong lịch sử bảo vệ tổ quốc của dân tộc Việt, để cho con cháu chúng ta nhớ rằng, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Và sự hy sinh của những chiến sĩ Hải Quân của chúng ta sẽ không bao giờ uổng phí. Và chúng ta, hôm nay, nhân cùng nhau ngồi đây, xin quý vị cùng chúng tôi, hãy trải lòng mình trong một vài giây im lặng để thành kính tưởng nhớ đến anh linh của 74 chiến sĩ Hải Quân của chúng ta đã hy sinh vì tổ quốc… Chờ một chút). Xin cám ơn quý vị.

Riêng cá nhân tôi, vì tham dự vào trận chiến lịch sử đó một cách tình cờ, nên tôi vẫn tự cho mình chỉ là môt kẻ đã “lạc đường vào lịch sử“. Nhưng chuyện đi lạc này quá nguy hiểm đến nỗi suýt nữa tôi đã đi luôn, hay nói theo cách bình dân thì là, đi vào cõi chết. Quý vị nghĩ coi. Tàu trúng đạn, nước biển vào ngập cả hầm máy, nghiêng 15 độ, đèn đuốc tắt hết chẳng khác gì con tàu ma, mọi liên lạc với bên ngoài đều bị cắt và cuối cùng là nhiệm sở đào thoát.

Cả một đài chỉ huy là nơi tôi đang là Sĩ quan hải hành trong nhiêm sở tác chiến, phút chốc bỗng vắng tanh vắng ngắt, vắng đến rợn người. Một mình Hạm trưởng Lê Văn Thự, cao lêu nghêu, cầm lấy bánh lái tàu và ra lệnh trực tiếp xuống hầm lái tay, nơi những nhân viên vạm vỡ nhất đang vất vả bẻ tay lái theo lệnh của ông. Tôi thì đứng đó, nhìn ông, nhìn chung quanh. Không biết phải làm gì Sau khi đã ghi vào sổ nhật ký hải hành hàng chữ ngắn ngủi, và cuối cùng: Nhiệm sở đào thoát.

Chiến hạm đang đi ngoằn nghèo như rắn bò giữa vùng biển đầy bất trắc, đầy san hô, và cũng đầy đá ngầm, giữa một hạm đội tàu địch có thể đánh chìm tàu mình bất cứ lúc nào, vì chúng chỉ cách có vài ba hải lý. Nhìn xung quanh là mấy hòn đảo trở thành vô hồn, còn ngoài kia, là cả một màu xanh biếc của biển cả, và trên cao, một bầu trời xám ngoét.

Tâm trạng nào còn lại trong tôi lúc đó? Cô đơn, lạc lõng, và trống rỗng hoàn toàn. Tôi không đến nhiệm sở đào thoát, nơi mọi người có lẽ đang lui cui bận rộn với công việc chuẩn bị… Chỉ có tôi, ở đây, bên cạnh Hạm trưởng, chuẩn bị cho một hành trình mới mà tôi chưa biết sẽ đi về đâu. Rời tàu. Hai tiếng ấy vang lên trong tôi như tiếng chuông gọi hồn, như tiếng gào thét của lũ ma trơi đang chuẩn bị đưa tôi đi cùng với chúng về nơi vô cùng. Đó chính là tiếng gọi của thần chết.

Khi ông Đại úy cơ khí trưởng nhô lên khỏi cầu thang và đề nghị với Hạm trưởng hủy bỏ nhiệm sở đào thoát vì hầm máy đã bị cô lập hoàn toàn, chiến hạm tuy bị nghiêng nặng nhưng đang vị thế ổn định, tôi như người thoát khỏi cơn mơ. Vị thần cứu rỗi đã đến đúng lúc, kịp thời để đưa tôi trở về với cõi trần thế. Và bao hy vọng bỗng trở về, tràn ngập.

Trở lại với sáng ngày 18, HQ5 từ Đà Nẵng đến nhập vùng để tăng cường lực lượng. Cùng đi trên HQ5 là Hải Quân Đại tá Hà Văn Ngạc, chỉ huy trưởng hải đội 3 tuần dương trực thuộc Bộ tư lệnh Hạm đội, được chỉ định làm Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Hoàng Sa. Sự hiện diện của một sĩ quan cao cấp nghe nói đã từng tu nghiệp ở một đại học hải chiến Hoa kỳ làm nức lòng mọi người.

Có lẽ để thực hiện cái sở học của mình nên sau khi nhập vùng và nhận quyền chỉ huy, đại tá Ngạc đã hội ý với các Hạm trưởng qua máy truyền tin rồi, hình thành một kế hoạch mà tôi tạm gọi là “phô diễn lực lượng” sẽ khởi sự vào buổi chiều. Có lẽ, kế hoạch chỉ là để thăm dò khả năng của các chiến hạm địch nên dù mọi chiến hạm đều vào nhiệm sở tác chiến, nhưng các khẩu pháo được lệnh quay nòng lên cao 45 độ như thường ở trong tư thế dàn chào mỗi khi tàu rời bến Bạch Đằng.

Chúng tôi thực hiện kế hoạch phô diễn với tất cả lòng hăm hở được dịp thực tập các màn vận chuyển chiến thuật mà từ lâu đã bỏ quên sau khi rời quân trường. Những ý niệm về đội hình hàng dọc, hàng ngang; những màu cờ golf, cờ code; những quay phải quay trái; những vận tốc cùng hướng đi biểu kiến…tất cả sẽ được tái tạo trong một buổi chiều đẹp trời, giữa một vùng lòng chảo chật hẹp đầy san hô và đá ngầm, và, lại đang đối diện thực sự với kẻ thù. Thật là lãng mạn và quyến rũ.

Lúc đó chúng tôi chưa có ý thức nào về sự nguy hiểm của một cuộc đụng độ bất ngờ. Chúng tôi, vô tư như một bầy trẻ, lên nhiệm sở tác chiến với tấm lòng hồn nhiên như khi vác súng ga-răng ra thao-diễn-trường tập cơ bản thao diễn. Với 3 chiến hạm, trong đó có 2 tuần dương hạm to lớn bệ vệ và một khu trục hạm nhanh nhẹn oai mãnh, lực lượng chúng tôi trông có vẽ hùng dũng lắm rồi. Đi đầu là đại tướng tiên phong HQ4 rồi đến HQ16 và Sau cùng là Soái hạm HQ5 với những khẩu thần công 127 ly, 76.2 ly, 40 ly đang hướng nòng lên trời xanh, như thách thức với kẻ thù và như kiêu hãnh với chính mình.

Bắt đầu chiến dịch với 3 hàng cờ phất phới trên 3 cột buồm, lồng lộng trong gió chiều và trong nắng vàng cuối đông. Những dàn radar khổng lồ đang quay chầm chậm, vừa làm nhiệm vụ trấn thủ, vừa cung cấp dữ kiện để đo khoảng cách và tìm ra vận tốc của tàu địch. Trên đài chỉ huy, các giám lộ viên có tay nghề cao nhất đang chờ lệnh và sẵn sàng thực hiện những mệnh lệnh của Hạm trưởng để truyền tin bằng cờ hiệu và đèn scott giữa các chiến hạm.

Chúng tôi tiến theo đội hình hàng dọc, từ phía nam đảo Hoàng Sa, trực chỉ 160 độ xuống hai đảo Quang Hòa và Duy Mộng. Tất cả cùng hai máy tiến 2, cách khoảng 250 mét, đàng hoàng tiến về phía địch như những hiệp sĩ thời Trung cổ. Khi vừa chạy được 1 hải lý, hai chiến hạm Trung Cộng mang số hiệu 271 và 274 đang nằm im trong vùng biển, cùng nổ máy, tăng tốc rồi theo đội hình hàng dọc tiến về hướng chúng tôi. Chiến hạm của chúng chạy rất nhanh, đến 28 hải lý/ giờ, (trong khi vận tốc tối đa của chiếc HQ16 cũng chỉ 16 hải lý /giờ). Chúng để lại đằng Sau những bọt nước trắng xóa và tạo ra những làn sóng bập bềnh. Tuy nhiên, cả đội hình chúng tôi vẫn bình thản tiến theo lộ trình.

Khi còn cách chúng tôi chừng dưới 1 hải lý, chiếc đi đầu bỗng quay trái 90 độ, được một đoạn lại quay chữ U, trở lại ngược chiều 180 độ, chạy chặn ngang trước mũi HQ4. Chiếc thứ hai cũng lặp lại những động thái của chiếc đầu để rồi cuối cùng cái đường ngang tưởng tượng chúng giăng ra chỉ cách mũi chiếc HQ4 trong vòng 100 mét. Hoạt động của tàu địch có lẽ làm cho vị Tư lệnh chiến dịch khó xử.

Không thể sử dụng vũ lực đánh nhau, cũng không thể tiến thêm được vì sự đụng chạm với vận tốc lớn có thể làm tàu hư hại nặng. Vì nguy cơ đụng tàu càng lớn nên cuối cùng chúng tôi được lệnh U- turn, quay mũi theo hàng dọc trở về hướng bắc. Kế hoạch “phô diễn lực lượng” thế là hoàn tất. Không rõ mục tiêu của vị Tư lệnh là gì và đạt được mấy phần, lũ sĩ quan chúng tôi cảm thấy hài lòng vì đã làm xong nhiệm vụ mà cũng có thêm một ít kiến thức về truyền tin cờ đèn và vận chuyển chiến thuật…

“Chúng tôi bị đánh thức dậy lúc hơn 1 giờ sáng vào đêm hôm ấy và được lệnh tập họp ở phòng ăn đoàn viên. Hầu hết mọi người vẫn còn ngái ngủ nên phòng ăn tuy đông người mà vẫn yên lặng. Hơn nữa, lần tập họp bất thường giữa đêm khuya trong cái không khí căng thẳng và đầy thuốc súng này thì ai cũng hiểu là có chuyện. Thành ra giờ phút chờ đợi này ai cũng lo lắng, nghĩ đến những điều sẽ xảy ra.

Thời gian chờ đợi Hạm trưởng đến không dài, các cửa phòng đều đóng kín mít nhưng tôi tự nhiên thấy lạnh. Tôi cố trấn tĩnh. Hai chân đứng dạng ra, cố trụ lại trên sàn nhà; hai tay thọc vô túi quần rồi rút ra, chống nạnh, ngẩng cao đầu nhìn mọi người. Tôi che miệng ngáp, rồi móc túi lấy thuốc ra hút. Hít được khói thuốc vào buồng phổi để thấy mình ấm hơn đôi chút, tôi tập trung tư tưởng để tự mình thắng được cái lạnh đang xâm chiếm toàn cơ thể. Hạm trưởng đi vào và tôi đưa tay lên chào rồi hô lớn: Vào hàng, phắc. Tiếng hô vang lên như tiếng cồng xua đuổi tà ma, quên đi cái lạnh đang gậm nhấm cơ thể.

"Bây giờ Hạm trưởng đang đứng kia, trong cái áo jacket màu xanh nước biển khoác ngoài bộ quân phục cùng màu, trông có vẻ mệt mỏi. Ông tóm tắt nội dung lệnh hành quân mà ông vừa nhận được, và ra lệnh cho toàn thể nhân viên cố gắng chuyển đạn dược từ các kho lên gần các ụ súng, vì sự thiếu hụt quân số có thể cản trở nhiều cho việc tiếp tế đạn dược trong thời gian lâm chiến. Lúc này một số khoảng 25 người đi phép và 15 người đã được đưa lên đảo. Phải mất hơn hai tiếng việc vận chuyển đạn dược mới hoàn tất.

Mọi người - sĩ quan, hạ sĩ quan, đoàn viên - trừ những người đang đi quart, đều lăn xả vào công việc. Khiêng, bưng, vác. Cả một chiến hạm rầm rập, tiếng chân người chen lấn tiếng thùng đạn, vỏ đạn chạm vào nhau hay vào thành, sàn tàu hợp thành một thứ âm thanh hỗn độn. Đèn đuốc được thắp sáng mọi nơi nhưng tất cả được che chắn cẩn thận để tránh sự nghi ngờ của địch. Chính nhờ những hoạt động hăng say này mà mọi người quên đi những nỗi sầu muộn, lo âu, những nỗi sợ hãi, khiếp nhược, cùng những thắc mắc suy tưởng."

Rồi khoảng 5 giờ sáng, sau khi mọi chuẩn bị cho nhiệm sở tác chiến kết thúc, tôi trở lại phòng ăn đoàn viên, đến câu lạc bộ mua một ly cà phê rồi cùng một số sĩ quan khác ngồi ngay đó nói chuyện. Không ai trong nhóm muốn trở về phòng ngủ của mình để một mình đối diện với thực tại. Một cuộc chiến sắp xảy ra, một cái chết đang đến gần, từ đó sinh ra bi quan rồi có những cử chỉ, lời nói, hành động có thể làm hạ thấp phẩm giá của mình.

Chúng tôi nói về mọi chuyện, từ nỗi thắc mắc về lệnh hành quân cho đến những câu chuyện chọc cười vô thưởng vô phạt. Nhưng đã không còn những tràng cười khoái trá mà chỉ là những cái nhếch mép, lẫn trong đó là sự gượng gạo. Rồi trở lên phòng ăn sĩ quan, húp từng muỗng cháo nóng mà nhân viên nhà bếp mang lại. Vừa nuốt xong mấy muỗng cháo, tôi nói với cái giọng nửa đùa nửa thực:

Gắng ăn đi mấy ông. Không chừng đây là bữa ăn cuối cùng.

Cuối cùng, trước giờ thực sự khai chiến, khi hai chiếc HQ10 và HQ16 đang vờn nhau với hai chiếc tàu địch trong vùng lòng chảo giữa mấy hòn đảo của nhóm Nguyệt Thiềm - một cuộc đụng độ cố tình. Tôi nói cố tình vì khi HQ16 di chuyển về nam theo lệnh Đại tá Ngạc để yểm trợ cho cuộc đổ bộ các chiến sĩ Hải kích lên đảo của HQ4 và HQ5, một chiếc tàu của địch có ý định ngăn cản bằng cách đâm thẳng vào chiếc HQ16 với góc gần 90 độ.

Lúc đó, tôi đang theo dõi tàu địch trên đài chỉ huy, đứng ngay tại vị trí của mũi tàu mà địch đang định đâm vào. Nhìn mũi tàu địch đang lừng lững tiến về phía mình, cảm giác tôi lúc đó như cô đọng lại, máu như ngừng chảy, và tâm trí thì bàng hoàng, như không còn cảm giác. Nhưng may mắn thay, cuộc đụng độ đã không xảy ra vì khi còn cách nhau khoảng hơn 10 mét thì HQ16 đã quẹo trái hết tay lái, và nhờ vậy mà hai chiếc tàu chạm vào nhau khá nhẹ nhàng rồi lướt đi song song bên nhau. Cái khéo léo trong lúc vận chuyển của Hạm trưởng đã cứu con tàu trong gang tấc.” Hết cắt.

Kính thưa quý vị, những gì xảy ra sau đó, cùng nhiều sự kiện quan trọng khác tôi xin để dành cho quyển “Sự thật Hải chiến Hoàng Sa” của niên trưởng Thềm Sơn Hà, thành ra đáng lẽ câu chuyện của tôi đến đây là hết. Nhưng xin phép quý vị cho tôi vài phút để nói thêm về chuyện của người. Đó là hai nhân vật thuộc khóa đàn anh của tôi mà tôi nghĩ rất đáng được vinh danh.

Thứ nhất, niên trưởng Nguyễn Thành Trí. Cái chết của niên trưởng thì ai cũng biết. Anh bị thương do trúng đạn Trung Cộng. Anh xuống bè đào thoát cùng với gần như tất cả thủy thủ đoàn còn lại. Anh đã hy sinh để cho cá mập khỏi truy tìm theo dấu máu từ vết thương của anh. Đó là cái chết cao cả. Cũng như 73 chiến sĩ Hải Quân khác, tổ quốc sẽ vinh danh anh, và chúng ta ngoài vinh danh còn tưởng nhớ đến anh. Xin thành kính nghiêng mình.

Khi còn thụ huấn tại quân trường Nha Trang, tôi không biết đến niên trưởng Trí nhiều, vì anh là người hiền lành nhưng hơi trầm lặng. Tôi không thấy Niên trưởng xuất hiện trong các buổi quay huấn nhục khóa đàn em, tôi chỉ nghe nói anh là cầu thủ bóng chuyền đã tham dự các trận cầu quốc gia và quốc tế. Nhưng tôi lại may mắn cùng thụ huấn khóa 2/73 lớp trung cấp Hải Quân với anh. Lớp chúng tôi có chưa tới 30 người, nhưng cũng thành lập được một đội bóng chuyền 6 người mà Niên Trưởng Trí là người sáng lập mà cũng là đội trưởng, còn tôi là một cầu thủ.

Mỗi buổi chiều sau giờ học, chúng tôi ra sân tập dượt với đội bóng của Trung tâm huấn luyện Hải quân Sài Gòn. Vì đội chúng tôi hầu hết là những tay mơ, chỉ mình anh trên sân, chạy dưới, đập trên. Vừa đánh anh vừa hò hét, chỉ bảo người này, vừa cười ha hả để chọc quê người khác làm cho không khí của buổi chiều ở nơi có vẻ mô phạm và trầm lặng này không những sôi động hẳn lên mà còn đầy vẻ vui tươi vì rộn rã tiếng cười. Ai ngờ một con người vô tư và khoáng đạt như anh mà vừa chia tay nhau chưa đầy hai tháng, anh đã bỏ lại vợ con, bạn bè, đồng đội, để đi vào cõi vĩnh hằng. Một lần nữa, vĩnh biệt người anh hùng Nguyễn Thành Trí.

Người thứ hai là niên trưởng Thềm Sơn Hà, người đã tạo ra tác phẩm : “Sự thật Hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974”. Ở quân trường, cái họ Thềm kỳ lạ của anh có lẽ làm tôi chú ý, nhưng tôi chỉ biết nhiều về anh khi anh là hội trưởng hội Hải Quân Cửu Long ở miền Nam California vào những năm 2000, mà những hoạt động hăng say của anh đã để lại nhiều dấu ấn. Và khi anh viết những bài về Hoàng Sa đăng trên các đặc san hay trên các trang mạng Hải Quân, anh thường hỏi tôi một vài chi tiết nhỏ để bổ sung thêm cho bài viết của anh. Những bài mà Sau khi đọc lại, tôi thấy có quá nhiều dữ liệu và thông tin mới làm tôi bất ngờ, không hiểu làm sao anh có được chúng, nhất là những tài liệu từ phía chính quyền Mỹ.

Với một tinh thần cầu thị, niên trưởng Hà muốn đào sâu đi tìm cho đến tận cùng của sự thật. Một sự thật mà anh cho là bị che phủ bởi những hào quang của quá khứ, bị chôn vùi do lớp bụi của thời gian, và bị lãng quên do tuổi đời chồng chất. Anh đã kiên trì làm việc với một thái độ nghiêm chỉnh, ví dụ, có một số tài liệu mà anh đã phải chờ đợi đến mười năm trời mới có được dù đã được giải mật từ lâu. Chính nhờ vào những tài liệu này, anh mới có dịp để so sánh, đối chiếu với những hồi ký, những tác phẩm đã xuất bản bằng tiếng Việt để có những kết luận đầy tính thuyết phục.

Không ai hoài vọng tác phẩm của anh là chân lý, nhưng ít nhất nó cũng cho người đọc một ý kiến khác, một góc nhìn khác. Và quan trọng hơn hết, tác phẩm của anh sẽ là một chứng liệu quý giá cho những thế hệ mai sau dùng nó như là một tài liệu lịch sử. Những gì anh xuất bản hôm nay dưới tên Thềm Sơn Hà sẽ còn lưu lại cho hậu thế. Vậy thì không có lý do gì để hôm nay chúng ta không vinh danh niên trưởng Thềm Sơn Hà, phải không quý vị? Xin cám ơn quý vị và xin kính chào.

ĐÀO DÂN

 

No comments:

Post a Comment