HỔ TƯƠNG HOA KỲ-PHI 1951 VÀ BIỂN ĐÔNG
Thềm Sơn Hà
Để xứng đáng với vai trò cường quốc và để thâu tóm cả vùng Biển Đông, TQ gia tăng ngân sách quốc phòng, bành trướng về quân sự, chủ yếu là canh tân và phát triển lực lượng hải quân để xứng đáng là cường quốc biển.
Và khi lực lượng hải quân đã đủ mạnh, vào mùa Xuân 1987, TQ bắt đầu dòm ngó đến TS, khởi đầu với những chuyến thăm dò thủy đạo khu vực bãi cạn James (James Shoal) nằm tận cùng về phía Nam Trường Sa (thuộc vùng EEZ của Malaysia) và đã đi đến kết luận là khu vực này rất dồi dào dầu khí. Cùng thời điểm với kết quả ở bãi cạn James, Hải quân TQ bắt đầu lựa chọn vị trí để thiết lập tiền đồn làm điểm tựa cho chiến lược bành trướng Biển Đông.
Lo ngại phản ứng chính trị tiêu cực khi đột nhiên thiết lập cứ điểm quân sự ngay tâm điểm hải trình vùng Đông Nam Á, TQ ngụy trang các chuyến công tác của hải quân vào cuối năm 1987 và đầu năm 1988 như là các cuộc thám hiểm khoa học. Sau khi chọn Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) trong quần đảo TS làm cứ điểm đầu tiên trong kế hoạch khống chế toàn Biển Đông, TQ đã đưa các tàu khảo cứu đại dương, nhân công (mà TQ gọi là các "nhà khoa học"), vật liệu xây dựng và chiến hạm hộ tống để tiến hành công tác xây dựng căn cứ. Để được danh chánh ngôn thuận, TQ tuyên bố Tổ Chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã chấp thuận việc xây dựng trạm nghiên cứu thời tiết trên địa điểm này. (Đá Chữ Thập nằm vào khoảng giữa trục Đông Bắc nối liền Đảo Trường Sa và Đảo Nam Yết).Với khoảng cách khá xa các đảo do Việt Nam chiếm đóng, âm mưu xây dựng cứ điểm này cho mục tiêu quân sự đã không bị phát hiện. Từ Đá Chữ Thập, chúng di chuyển sang chiếm Đá Gạc Ma (Johnson Reef-nhóm Union Banks & Reefs) sau trận hải chiến với hải quân VN trong tháng 3-1988. Dần dần TQ thiết lập cứ điểm trên các Đá Ken Nan (McKennan Reef), Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) trong nhóm này. (1)
Với sự tan rã của Liên Xô vào tháng 12-1991, chiến tranh lạnh được xem như chấm dứt, thế giới bắt đầu lạc quan hơn. Trước đó, năm 1989, Việt Nam rút khỏi Campuchia; năm 1990, Nga bắt đầu rút khỏi căn cứ Cam Ranh.
Tháng 2-1992, TQ ban hành luật về hàng hải và vùng tiếp cận, tuyên bố chủ quyền trên các đảo, đảo nhỏ, bãi cạn, bãi đá nằm trong phạm vi đường chữ U (đường 9 đoạn - đường lưỡi bò) chiếm đoạt hết khoảng 80% Biển Đông và cũng trong năm này bắt đầu nhập cảng nhiên liệu .
Tháng 9-1992, Hoa Kỳ (HK) đóng cửa căn cứ Subic Bay.
Năm 1994, TQ chọn Đá Vành Khăn (Mischief Reef, cách đảo Palawan 130 hải lý nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ - Exclusive Economic Zone) của Phi Luật Tân (Phi) để chiếm cứ vì các lý do :
- Căn cứ Subic Bay đã đóng, hải quân HK không còn thực hiện các chuyến không tuần ngang qua vùng này.
- hải quân Phi không phái chiến hạm tuần tiễu trong mùa biển động.
- tiên liệu sẽ không xảy ra xung đột vũ trang vì quân đội Phi quá yếu.
- phù hợp với luật biển ban hành trong tháng 2-1992 tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông.
- lượng định sự khả thi của hiệp ước 1951 đối với khu vực tranh chấp Trường Sa qua phản ứng của HK.
- thăm dò phản ứng của Hiệp hội các quốc gia trong vùng Đông Nam Á.
- khu vực hướng Đông nhóm Union Banks&Reefs còn rất nhiều bãi đá, bãi cạn chưa bị chiếm đóng.
- dự án khai thác dầu khí chung giữa TQ-Phi trong khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) hủy bỏ trong đầu năm 1994. Thay vào đó Phi chọn hảng dầu Alcorn của HK thám sát đáy biển vùng Tây Nam Bãi Cỏ Rong. Bực tức trước hành động “phản bội” của Phi, TQ chọn đá Vành Khăn để dễ dàng dò xét hoạt động của Alcorn.
Cho đến cuối năm 1994, phần đông dân chúng Phi đều nghĩ đến một nước Trung Hoa rộng lớn, một người láng giềng xa, (cách họ đến 700 km ) tốt bụng, không đe dọa đến quyền lợi và an ninh của họ. Nhưng không ngờ TQ đã lợi dụng mùa biển động, không có tàu tuần và ghe đánh cá hoạt động nơi đây, cấp tốc mang người và vật liệu xây dựng cơ sở chiếm đoạt Đá Vành Khăn.
Hết mùa biển động, ngày 8 tháng 2-1995, dân Phi bật ngửa khi thấy cờ TQ tung bay trên bãi đá và người láng giềng xa, nay đã sát bên cạnh họ, súng đạn mang đầy người, không những thế, 8 chiến hạm TQ cũng đang lảng vảng trong vùng.
Chánh phủ Phi phản đối mạnh mẽ, tháng 3-1994, Phi gởi phái đoàn ngoại giao sang Bắc Kinh thảo luận, nhưng thất bại. Phi phản ứng bằng cách bắt giữ một số ngư phủ và phá hủy một số bia chủ quyền mà TQ đã dựng lên trên một số bãi đá, bãi cạn nằm trong khu vực EEZ.
Trước khi đến Bắc Kinh, phái đoàn dừng lại Singapore và bản tuyên cáo chung đã được công bố giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN- The Association of Southeast Asian Nations) và Phi bày tỏ “mối lo ngại nghiêm trọng về các diễn biến gần đây có ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong Biển Đông”.
Tháng 4-1995, Tổng Thống Phi Fidel Ramos tuyên bố: "Tôi sẽ không ngần ngại dùng các biện pháp cần thiết để bảo vệ lãnh thổ “
Tháng 5-1995, chiến hạm Phi chở 38 ký giả địa phương và ngoại quốc ra quan sát Đá Vành Khăn để chứng minh là TQ đã xây cất đồn lũy quân sự giống như trên Đá Gạc Ma và Đá Su Bi (Subi Reef) chứ không phải là nơi trú ẩn cho ngư dân như họ thường ngụy biện. Khi tàu Phi đến cách 10km, hai khu trục hạm TQ từ hướng Đá Gạc Ma cách 100 km về hướng Tây chạy đến ngăn cản.
Trước nguy cơ xung đột bộc phát, tháng 5-1995, Bộ Ngoại Giao (BNG)/HK lên tiếng: “Hoa Kỳ kịch liệt phản đối việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để khẳng định yêu sách chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào. Hoa Kỳ không có lập trường dựa trên cơ sở pháp lý của các yêu sách chủ quyền đối chọi nhau và sẵn sàng hỗ trợ trong việc giải quyết hòa bình sự tranh chấp.”
Sau đó, cũng trong tháng 5-1995, BNG/HK dùng lời lẽ cứng rắn hơn: "HK sẽ cứu xét với mối quan tâm nghiêm trọng bất kỳ tuyên bố chủ quyền lãnh hải hoặc hạn chế hoạt động hàng hải tại Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế ."
Ngoài ra HK công bố lập trường về Trường Sa và Biển Đông như sau: “Duy trì tự do hàng hải là lợi ích căn bản của HK. Không làm trở ngại cho sự lưu hành của tàu bè và phi cơ trong vùng Biển Đông là yếu tố cần thiết cho nền hoà bình và thịnh vượng trong toàn vùng Á Châu-Thái Bình Dương, kể cả Hoa Kỳ.”
Về phần Bộ Quốc Phòng (BQP), Phụ Tá Bộ Trưởng Joseph Nye tuyên bố với các ký giả tại Tokyo: “nếu hoạt động quân sự xảy ra ở Trường Sa ảnh hưởng đến tự do trên mặt
biển, HK sẽ chuẫn bị để hộ tống và bảo đảm cho sự hải hành không bị gián đoạn.” Phúc trình nghiên cứu về Biển Đông của BQP giải thích lập trường HK: “HK không có lập trường dựa trên cơ sở pháp lý của các yêu sách chủ quyền đối chọi nhau. Lợi ích chiến lược của HK trong sự duy trì các tuyến liên lạc nối liền Nam- Đông Á Châu, Bắc-Đông Á Châu và Ấn Độ Dương là điểm chủ yếu, do vậy HK chống lại bất cứ yêu sách hàng hải nào vượt quá ngoài điều cho phép bởi quy ước Luật Biển.”
Những lời tuyên bố và phản đối xuông trôi qua theo thời gian, cho đến cuối tháng 10-1998, phi cơ không tuần Phi phát hiện nhiều tàu TQ, trong đó có 4 tàu tiếp tế bên ngoài Đá Vành Khăn, khoảng 100 nhân công đang bận rộn xây điều mà giới chức thẩm quyền Phi nghi là phi đạo.
Bắc Kinh bác bỏ các lời cáo buộc dựng lên cơ sở quân sự mới, bào chữa cơ sở này là chỗ trú ẩn thường trực cho ngư dân, thay thế chỗ tạm thời đã được xây lên trong năm 1995.
Tháng 11-1998, Tổng Thống Phi loan báo gởi thêm lực lượng đến vùng này để giám sát các hoạt động của TQ và chỉ thị Hải và Không Quân “chận các lối ra vào” khu vực tranh chấp nhưng tránh đối đầu quân sự.
Cuối tháng 11-1998, Hải quân Phi bắt giữ 6 ghe đánh cá và 20 ngư phủ TQ trong vùng biển thuộc Phi và cho biết sẽ đưa họ ra toà về tội xâm nhập trái phép hải phận mặc dù TQ yêu cầu thả họ ra.
Tháng 12-1998, Đô Đốc Joseph Prueher, Tư Lệnh Lực Lượng HK ở Thái Bình Dương trong chuyến thăm vùng Đông Châu Á phát biểu là HK đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến và ông tiếp lời: “nếu các nước cảm thấy là họ đang lợi thế, họ sẽ lợi dụng cơ hội khi họ nghĩ là hành động của họ sẽ không bị trừng phạt. Đây là điều mà có lẽ TQ đang tiến hành ở Đá Vành Khăn.”
Khác với năm 1995, lần này HK không có các phản ứng mạnh mẽ. Giữa tháng 2-1999, phát ngôn viên BNG/HK James Foley cho là TQ xây dựng cơ sở mới trên Đá Vành Khăn là một hoạt động đơn phương, có khả năng khiêu khích và TQ nên tiếp tục các cuộc thảo luận trực tiếp với các bên liên quan. Ngoài ra, Ngoại Trưởng/HK, bà Madeleine Albright dự trù sẽ mang vấn đề này ra thảo luận trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh vào tuần sau.
Riêng phần các nước trong khối ASEAN cũng không tích cực đối đầu với TQ công khai, nhưng bên trong họ cho là chủ nghĩa bành trướng đang thiết lập một tiền lệ nguy hiểm trong khu vực.
Tháng 1-1999, Tổng Thống Phi Joseph Estrada triệu tập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và trước khả năng quá yếu kém của quân đội Phi, họ chỉ còn phương thức tranh đấu duy nhất là đồng ý dùng ngoại giao qua đường lối đàm phán với TQ và kêu gọi quốc tế giúp đỡ.
Năm 1995, Đá Vành Khăn được TQ gọi là chỗ trú ẩn cho ngư dân, không ảnh gần đây nhất cho thấy hiện tại đã trở thành căn cứ Hải quân quan trọng, trang bị hệ thống truyền tin và radar tối tân, súng phòng không, hỏa tiễn SAM và có thể đang xây phi
đạo dài từ 1.000 m đến 2.000 m.
Sau năm 1995, dù đã mất Đá Vành Khăn, nhưng hình như Phi vẫn chưa tỉnh giấc, trong khi TQ tiếp tục đặt trọng tâm bành trướng về quân sự và vẫn tiếp tục hành động thách thức Phi qua các thí dụ điển hình:
- tháng 2-2011, chiến hạm TQ bắn cảnh cáo vào ghe đánh cá Phi trong Cồn Jackson (Jackson Atoll).
- tháng 3-2011, hai tàu hải giám TQ đe dọa đâm vô tàu thăm dò năng lượng của chánh phủ Phi trong khu Bãi Cỏ Rong (Reed Ban- tháng 5-2011, tàu TQ thả neo và đặt cọc sắt trong khu Amy Douglas Bank nằm về hướng Tây Nam Bãi Cỏ Rong, mặc dù trong thời gian này Bộ Trưởng Quốc Phòng TQ đang có chuyến thăm viếng thiện chí Phi. Ngoài ra 2 chiến đấu cơ nghi ngờ là của TQ đã được phát hiện gần đảo Palawan.
- tháng 12-2011, hai tàu dân sự và chiến hạm TQ xuất hiện trong khu vực Bãi Chóp Mao (Sabina Shoal) cách đảo Palawan 124 hải lý.
Và chuyện phải đến đã đến, ngày 8 tháng 4-2012, phi cơ không tuần của Hải quân Phi phát hiện TQ mang 8 tàu đánh cá với sự yểm trợ của tàu hải giám vô neo trong bãi Hoàng Nham (Scarborough Shoal- Panatag Shoal, bãi này chỉ cách Subic Bay khoảng 130 hl và cách Manila 200 hl về hướng Đông, nằm trong khu vực EEZ của Phi), người láng giềng xa, lần này tỏ vẽ thân mật hơn, ngang nhiên và trắng trợn hơn. Đoàn tàu này không những xâm nhập, vi phạm hải phận Phi, mà còn cô lập, ngăn cản ngư phủ Phi vào khu vực bãi cạn Hoàng Nham. Khi chiến hạm Phi chạy đến bắt giữ ngư phủ TQ, hai tàu hải giám ngăn cản. Ngoài ra phản lực cơ TQ xuất hiện trên không và đôi khi sà xuống sách nhiễu ngư dân Phi để họ tránh xa khu vực Bãi Hoàng Nham.
Để thể hiện tình đồng minh và biểu dương lực lượng, khoảng giữa tháng 4-2012, lực lượng hỗn hợp Phi-HK đã tổ chức cuộc thao diễn quân sự trong khu vực Palawan và Luzon. Ngoài ra, ngày 13-5 cả Phi và TQ đều ngạc nhiên khi Tiềm thủy đĩnh tối tân USS North Carolina của HK bất ngờ xuất hiện trong vịnh Subic Bay.
Khi tình hình lắng xuống, đâu lại vào đó, tàu thuyền TQ đến và đi một cách vô tư ở bãi cạn này.
Và lý do đưa đến sự lộng hành quá mức của TQ chỉ vì họ thừa biết là lực lượng quân sự Phi vẫn còn quá yếu kém.
Nếu trong năm 1998, Bộ Trưởng BQP Phi Orlando Mercado đã có can đảm nói lên sự thật là Không quân Phi không thể bay và Hải quân Phi không thể ra biển thì 14 năm sau cũng không khá hơn mấy! Hải quân Phi chỉ có khoảng trên 10 chiến hạm có khả năng hoạt động viễn duyên, phần lớn có tuổi thọ hơn 40 năm ( kể cả 2 chiếc WHEC lực lượng Tuần duyên HK mới vừa chuyển giao). Trong khi Không quân chưa có được một chiếc phản lực cơ nào loại chiến đấu (fighter jet).
Yếu thế về mặt quân sự, Phi chỉ còn cách duy nhất là dựa vào hiệp ước 1951 để được che chở.
Những điểm chính yếu áp dụng cho điều IV và điều V của hiệp ước này có thể tóm lược như sau:
a.- Một cuộc tấn công vũ trang vào lãnh thổ Phi (hay Hoa Kỳ)
b.- Một cuộc tấn công vũ trang vào các vùng đảo thuộc thẩm quyền Phi hay HK trong Thái Bình Dương.
c.- Một cuộc tấn công vũ trang vào “quân đội ,tàu thuyền công cộng hoặc phi cơ trong Thái Bình Dương” của Phi hay HK.
Vì vậy, không ai ngạc nhiên khi Phi đưa ra lời giải thích hiệp ước này một cách có lợi cho họ bằng việc khẳng định là Mỹ bắt buộc giúp đỡ Phi trong trường hợp xảy ra cuộc xung đột. Qua sự lôi kéo HK dính líu vào Hiệp ước 1951, Phi hy vọng sẽ làm chùng bước TQ.
Phi vốn là một cựu thuộc địa của HK và đã được lực lượng HK giải phóng từ tay Nhật Bản trong Thế chiến II. Tuy nhiên, trong khoảng thập niên 1980, do khuynh hướng chống HK bắt đầu gia tăng đã dẫn đến việc Thượng viện Phi, trong năm 1991, bỏ phiếu đóng cửa căn cứ quân sự HK tại Subic Bay (HK rút lui trong năm 1992). Tuy nhiên Hiệp ước 1951 ký kết vào thời kỳ chiến tranh lạnh vẫn được duy trì.
Gần đây, trước sự đe dọa của TQ, một số người trong cánh tả, trước đây đã vận động để quân đội Mỹ rút ra khỏi đất nước của họ bắt đầu thay đổi lập trường. Họ công nhận rằng Phi không thể tự mình chống lại TQ và do đó vì lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng Biển Đông, họ mong đợi Hoa Kỳ sẽ bảo vệ lợi ích chung của cả hai nước.
Về phần các viên chức cao cấp trong chánh phủ Phi, vào giữa tháng 6-2011, phát ngôn viên của Tổng Thống Phi nói rằng trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với TQ, Phi tin là Hoa Kỳ sẽ nhập cuộc giúp Phi.
Trong cuộc họp báo chung với NT Hillary Clinton và Bộ trưởng QP Panetta ngày 30-4-2012 tại Washington, Ngoại Trưởng Phi Del Rosalio đã nêu ra 3 cách thức ôn hòa đối phó với va chạm ở bãi Hoàng Nham :
1.- Chánh trị: cố gắng cùng khối ASEAN soạn thảo và thông qua quy tắc ứng xử ở Biển Đông .
2.- Pháp lý: theo đuổi đường lối giải quyết tranh chấp dựa theo UNCLOS dù không có sự hiện diện của Trung Quốc.
3.- Ngoại giao: thảo luận với TQ trong nỗ lực nhằm xoa dịu tình hình.
Tháng 5-2012, khi được hỏi là HK có giúp Phi hay không nếu họ bị tấn công ở bãi cạn Hoàng Nham, NT Phi Del Rosalio trả lời “Họ (HK) đã bày tỏ rằng sẽ tôn trọng bổn phận của họ dựa theo hiệp ước phòng thủ hổ tương.”
Mặc dù hiệp ước 1951 không đề cập rõ ràng đến Biển Đông, nhưng BNG Phi tiết lộ là vào năm 1979, NT/HK Cyrus Vance đã xác nhận với NT Phi Carlos P. Romulo qua văn thư là hiệp ước 1951 bao gồm một cuộc “tấn công vào quân đội Phi, tàu thuyền công cộng hoặc phi cơ” ngay cả khi cuộc tấn công này không xảy ra trong “khu vực đô thị hay vùng đảo thuộc thẩm quyền của Phi.”
Tiếp theo trong năm 1999, Đại Sứ HK Thomas Hubbard tái xác nhận những lời cam kết này, và khẳng định một cách rõ rệt là “Hoa Kỳ xem Biển Đông là một phần của khu vực Thái Bình Dương.”
Về phía HK, ngày 15 tháng 11-2011, trên boong khu trục hạm USS Fitzergerald, một biểu tượng sức mạnh của quân đội HK, trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày ký kết hiệp ước 1951, Ngoại Trưởng HK Hillary Clinton tuyên bố: “chúng ta phải đảm bảo rằng liên minh này vẫn bền vững, có khả năng đem lại kết quả cho người dân Phi và HK và các nước láng giềng của HK trên khắp Thái Bình Dương.” Nhưng mặt khác, bà tái xác nhận lập trường của Washington là các vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cần được giải quyết một cách êm thắm.
Cũng trong dịp này, sau khi hội kiến với Tổng Thống Phi Benigno Aquino III, Ngoại Trưởng Clinton cho là Hiệp ước phòng thủ hổ tương Phi-HK cần được cập nhật cho phù hợp với thế kỷ thứ 21 (LTG:nếu hiệp ước này bảo vệ Phi trong trường hợp TC gây hấn ở Trường Sa thì cần gì phải cập nhật!)
Về tranh chấp ở Trường Sa, theo bà Clinton "Chúng tôi sẽ luôn luôn sát cánh chiến đấu bên cạnh nhân dân Phi để đạt được tương lai chúng ta tìm kiếm” và bà mong muốn các tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), và không bằng cách ép buộc hoặc đe dọa.
Ngày 30 tháng 4-2012, trong cuộc họp báo chung với phái đoàn Phi, NT Clinton tuyên bố lập trường của HK về tranh chấp Biển Đông như sau:
- Mỹ tái khẳng định cam kết và nghĩa vụ của mình dựa theo hiệp ước 1951.
- Phản đối việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền."
- Không đứng về bên nào đối với các tuyên bố chủ quyền.
- HK có lợi ích quốc gia trong vấn đề tự do hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế trong Biển Đông.Do vậy HK mong muốn thương mại hợp pháp trên các hải trình không bị cản trở.
- HK ủng hộ một tiến trình hợp tác ngoại giao của tất cả các nước liên hệ để giải quyết các tranh chấp.
Phát biểu liên quan đến bãi cạn Hoàng Nham bà cho là “Hoa Thịnh Đốn vẫn cam kết cho sự an toàn của Phi, nhưng HK không đứng về phe nào trong sự va chạm trên biển với Bắc Kinh vẫn còn tiếp diễn ở Biển Đông. Bà bộc lộ mối quan tâm sâu xa trước sự va chạm không lối thoát gần 3 tuần nay giữa Phi và TQ trên Bãi Hoàng Nham, nơi mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Bà nói Hoa Kỳ ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho các vụ tranh chấp lãnh thổ giống như vậy.”
Về phần Bộ Trưởng QP Panetta, ông phát biểu:” là một cường quốc Thái Bình Dương, HK cam kết một trật tự khu vực dựa trên nguyên tắc nhằm khuyến khích nền thương mại khả thi, đầy sinh lực và quyền tự do hàng hải.”
Một tuyên bố chung được đưa ra sau các cuộc đàm phán nói rằng HK sẽ tiếp tục tăng cường khả năng của Phi để tuần tra vùng biển của mình dựa theo hiệp ước phòng thủ hổ tương giữa hai quốc gia đã có hiệu lực trong 60 năm.
Tháng 5-2012, TQ bày tỏ lo ngại về lời phát biểu của Ngoại Trưởng Hillary Clinton trong phiên điều trần của Ủy ban đối ngoại Thượng viện HK ngày 23-5, khi bà cho là tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông vượt quá những gì đã được thừa nhận dựa trên UNCLOS.
Bà Clinton cũng nói rằng việc HK không phê chuẩn UNCLOS đã làm suy yếu sự ủng hộ của họ dành cho đồng minh trong các tranh chấp trên Biển Đông.
Tháng 7-2012, Ngoại Trưởng Clinton phát biểu tại Nam Vang trong kỳ họp thường niên các quốc gia trong vùng Đông Nam Á "HK không có yêu sách chủ quyền nơi đó và HK không đứng về phía nào trong các vấn đề tranh chấp về biên giới trên bộ hay trên biển. Nhưng HK có lợi ích trong sự tự do hàng hải, sự duy trì hòa bình và ổn định, sự tôn trọng luật pháp quốc tế và không làm trở ngại cho việc giao dịch thương mại hợp pháp trong Biển Đông.”
Sau đó, bà Clinton nói với các đại biểu là HK hết sức tập trung để quan sát các nước xử lý ra sao trước các tuyên bố chủ quyền khác nhau, bà dẫn chứng "hành vi đối đầu" trong tranh chấp ở Bãi Hoàng Nham, kể cả việc từ chối quyền ra vào bãi cạn đối với các tàu thuyền khác. Mặc dù bà không nêu đích danh quốc gia vi phạm, nhưng đã được hiểu là ám chỉ TQ.
Bộ Trưởng QP/ HK Panetta thăm Cam Ranh ngày 3/6/2012, tuyên bố :"điều rất quan trọng là chúng ta có thể bảo vệ được các quyền hàng hải chủ yếu cho mọi quốc gia ở Biển Đông và các nơi khác."
Nhân cơ hội này, sau khi BT/BQP Panetta kết thúc cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Phi Voltaire Gazmin tại Singapore, báo Financial Times của Anh phỏng vấn ông về tranh chấp Bãi Hoàng Nham, ông Panetta trả lời quan điểm của HK là "các cuộc tranh chấp phải do chính các nước trong vùng Biển Đông tự giải quyết với nhau."
Ông nói: "Điều tối quan trọng là cả TQ và các nước ASEAN hoàn tất được bộ quy tắc ứng xử nhằm giúp giải quyết các vấn đề này” và HK cần phát triển xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc phòng mạnh mẽ với các nước, trong đó có Việt Nam để thực hiện điều này hầu đảm bảo quyền hàng hải của các nước trong khu vực Biển Đông cũng như tại các nơi khác."
Tháng 6-2013, trong buổi gặp mặt giữa Bộ trưởng QP/ HK Chuck Hagel và Bộ Trưởng Quốc Phòng Phi Voltaire Gazmin bên lề diễn đàn an ninh hàng năm tại Singapore. Bộ trưởng Hagel tái khẳng định Hoa Kỳ cam kết thi hành Hiệp ước 1951. Ngoài ra ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải trong khu vực.
Tháng 7-2013, tại Washington Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo TQ là ông chống lại việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa trong các tranh chấp căng thẳng hàng hải giữa TQ với các nước láng giềng và kêu gọi một giải pháp hòa bình.
Tháng 9-2013, trong hội nghị thượng đĩnh G20 tại St.Petersburg, Nga Sô, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình trong buổi gặp riêng với Tổng Thống Obama mong muốn HK không đóng vai trò tiêu cực trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông và quần đảo Điều Ngư, và đảm bảo rằng chính sách tái cân bằng của Washington trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương không làm hại đến lợi ích cốt lõi của TQ, ông cho là "Châu Á-Thái Bình Dương là một khu vực biểu lộ tốt nhất cho lợi ích chung của Trung Quốc và Hoa Kỳ, và phạm vi hợp tác song phương lớn hơn những sự khác biệt.”
Đáp lời, Tổng Thống Obama ước mong tất cả các nước giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ngoại giao, và HK sẵn sàng đóng góp trong đường lối này.
Ngoại trưởng HK John Kerry phát biểu tại cuộc gặp gỡ với bộ trưởng các nước ASEAN bên lề khóa họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York ngày 27 tháng 9, kêu gọi Trung Quốc và các nước láng giềng thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giải quyết tranh chấp biển đảo “càng sớm càng tốt” bằng cách “sớm đạt được một bộ quy tắc ứng xử về giải quyết tranh chấp biển đảo mà không sử dụng vũ lực, đe dọa hay gây hấn.” Nhưng để đạt được một bộ quy tắc ứng xử trong tranh chấp biển đảo, theo ông “cần phải có sự tuân thủ luật pháp quốc tế.”
Ông cho là: “khu vực các bạn là nơi tập trung nhiều cảng bận rộn nhất thế giới và hầu hết những đường hàng hải quan trọng. Vì thế sự ổn định ở nơi các bạn sống ảnh hưởng sâu xa đến sự thịnh vượng của nơi chúng tôi sống. Và điều này quan trọng cho cả thế giới. Đây là một trong những lý do vì sao HK chú tâm cam kết đến an ninh và tự do hàng hải trên các vùng biển, và đến sự giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và đạt được một quy tắc ứng xử tôn trọng điều HK mong muốn.”
Qua hai biến cố Vành Khăn và Hoàng Nham liên quan trực tiếp đến Phi là đồng minh thân thiết, lâu đời của HK và qua ngôn ngữ ngoại giao của các nhà lãnh đạo cao cấp HK và Phi dẫn giải về việc áp dụng hiệp ước 1951 đối với hành động xâm phạm lãnh thổ của TQ, tùy theo nhận xét sẽ có nhiều kết luận khác nhau và các bài viết thường dựa trên các lời tuyên bố công khai để xét đoán.
Điểm khác biệt giữa Đá Vành Khăn và Bãi Hoàng Nham là trong năm 1998, chánh phủ Phi ám chỉ đến hiệp ước 1951 trong các buổi họp, nhưng HK cố tình tránh né. Đối với Bãi Hoàng Nam, Phi công khai nêu lên hiệp ước 1951, HK đôi lúc cũng nói đến, nhưng không trực tiếp mà lại đi loanh quanh, họ từ chối giải thích về việc HK có thể đáp ứng như thế nào trước sự hung hăng của TQ trong vùng biển tranh chấp và thường hay tránh né đề cập đến hiệp ước 1951. HK không muốn đưa ra dự đoán về phản ứng của họ trước những sự việc chưa xảy ra.
Câu mở đầu của điều IV: “một cuộc tấn công vũ trang …..” đã xác định rất chính xác là hiệp ước chỉ áp dụng khi vũ lực được sử dụng để tấn công vào HK hoặc Phi, nhưng sách lược của TQ (như trường hợp đá Vành Khăn) là âm thầm chiếm đóng các vị trí mà Phi không thiết lập căn cứ trên đó để tránh đụng độ và đặt Phi trước chuyện đã rồi.
Và nếu như TQ tiếp tục áp dụng sách lược Đá Vành Khăn vào các khu vực khác điển hình là Bãi Hoàng Nham, chỉ cần quan sát các diễn tiến từ tháng 4-2012 qua phản ứng của Phi và HK thì chắc không cần nói cũng sẽ đoán trước kết quả như thế nào?
Nhưng nếu Phi tỏ thái độ cứng rắn, mang quân ra bảo vệ Bãi Hoàng Nham, dẫn đến xung đột vũ trang giữa Phi và TQ. Trong trường hợp này HK sẽ phản ứng ra sao? (cần lưu ý là Đá Vành Khăn và Bãi Hoàng Nham nằm trong vùng EEZ của Phi và cũng nằm trong đường 9 đoạn của TQ).
Trước câu hỏi này, Hoa Kỳ đã từ chối đưa ra suy đoán về các phản ứng cụ thể đối với tình trạng chỉ mới là giả thuyết, nhưng luôn xác định là những điều cam kết trong hiệp ước 1951 sẽ được tôn trọng.
Như vậy còn lại câu hỏi sau cùng là nếu TQ mang quân chiếm các đảo trong quần đảo Trường Sa nằm ngoài khu vực EEZ đang do quân đội Phi trấn giữ như Đảo Thị Tứ, Đảo Loại Tá, Đảo Dừa …. thì điều IV có áp dụng hay không, vì các đảo nằm trong khu vực Thái Bình Dương?
Điều này chưa xảy ra và câu hỏi này rất khó trả lời nếu không đi ngược lại dòng lịch sử với các biến cố đã xảy ra trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1955 đến 1975 qua các tài liệu mật từ phía HK, để từ đó có thể tìm ra câu trả lời thỏa đáng:
- Tháng 6-1955, Morton F. Meads công dân Hoa Kỳ tuyên bố chiếm hữu “quần đảo Manity” ở về hướng Tây Palawan và thiết lập “Kingdom of Humanity.”
Sự chiếm hữu này không được chánh phủ Hoa Kỳ (HK) hậu thuẫn. (2)
- Từ tháng 8-1955 sự hiện diện của TQ trên Đảo Phú Lâm đã được phi cơ không tuần HK quan sát trong rất nhiều lần. (2)
- Ngày 5 tháng 9-1955, giác thư của Chánh phủ Pháp nhắc lại việc Pháp tuyên bố chủ quyền trên đảo Trường Sa và các đảo lân cận, lưu ý là quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam từ thế kỷ 18. (2)
- Tháng 12-1955 hoặc tháng 1-1956, TQ chiếm đóng đảo Phú Lâm, sau đó TQ đã cho xây các cơ sở cố định, các cơ sở giải trí, mang đàn bà và trẻ con lên đảo. (2)
- Ngày 21 tháng 5-1956, Tomas Cloma là bạn và cũng là người hợp tác kinh doanh với Phó Tổng Thống kiêm Ngoại Trưởng Phi Carlos P. Garcia (đảm nhận chức vụ Tổng Thống từ tháng 3-1957) chánh thức thông báo cho chánh phủ Phi và gởi cáo thị đến báo chí trong, ngoài nước về việc chiếm hữu hầu hết các đảo ở Trường Sa và khu vực “Dangerous Ground.”.Ông đặt tên cho nhóm đảo này là Freedomland (Phi gọi là Kalayaan).
Ngoài ra Cloma còn yêu cầu chánh phủ Phi đặt nhóm đảo này trong tình trạng bảo vệ (protectorate status) nhưng chánh phủ Phi làm ngơ trước lời yêu cầu này. (2)
- Ngày 23 tháng 5 năm 1956, Đại sứ Đài Loan (ĐL) tại Manila đệ trình bản kháng nghị chính thức lên Ngoại Trưởng Phi, cho rằng các hòn đảo do Cloma "tìm thấy" thuộc về quần đảo TS, là một phần lãnh thổ của TQ. Ngoài ra, tại Đài Bắc, Ngoại Trưởng ĐL trình bày với Đại Sứ Phi các tài liệu chứng minh chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo. (3)
Trong cùng ngày, không ảnh do phi cơ không tuần Hoa Kỳ chụp được cho thấy có khoảng 250 người trên đảo Phú Lâm (Woody Island). (2)
- Ngày 24 tháng 5-1956, chánh phủ VNCH tuyên cáo quần đảo Trường Sa “luôn luôn là một phần của nước Việt Nam”. (3)
- Ngày 29 tháng 5-1956, Bộ Ngoại Giao (BNG) TQ lập lại lời tuyên bố của Chu Ân Lai vào ngày 15 tháng 8-1951, khẳng định là đảo Ba Bình và Trường Sa cùng với các đảo nhỏ khác trong vùng lân cận kết hợp tạo thành quần đảo TS “luôn luôn thuộc về lãnh thổ Trung Hoa”. TQ có chủ quyền không thể chối cãi, hợp pháp trên các đảo này." (3)
- Ngày 1 tháng 6-1956, Ngoại Trưởng Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) Vũ Văn Mẫu tái xác nhận chủ quyền của VNCH trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và ông cũng nhấn mạnh là điều này đã được công nhận bởi hiệp ước San Francisco 1951. (4)
- Ngày 2 tháng 6-1956, Ngoại Trưởng ĐL phủ nhận giá trị pháp lý bản tuyên cáo của VNCH và tái xác nhận bản tuyên cáo chủ quyền của họ. Trong cùng ngày, ĐL gởi hai khu trục hạm ra công tác thám sát các đảo ở Trường Sa (5)
- Ngày 2 tháng Sáu 1956, Đại sứ HK tại Đài Bắc đảm bảo với Ngoại Trưởng ĐL là HK không có ý định can dự vào việc tranh chấp ở Trường Sa giữa ĐL và Phi. Lập trường của HK là quyền sở hữu của những đảo này chưa được giải quyết. (3)
- Ngày 10 tháng 6-1956, Ngoại Trường Vũ Văn Mẫu gởi văn thư đến Tòa Đại Sứ HK (TĐS/HK) trong đó đính kèm công điện của đài khí tượng trên đảo Hoàng Sa (HS) báo cáo “Lính Trung Quốc (TQ) đã đổ bộ lên đảo Cam Tuyền (Robert Island). Tính mạng của tất cả nhân viên đang bị đe dọa. Yêu cầu được di tản ngay”. (trong chuyến bay thường lệ ngày 9 tháng 6, phi cơ không thám HK xác nhận sự có mặt của khoảng 75 dân TQ trên đảo Cam Tuyền. Ngay sau đó, trong hai ngày 12 và 13, chánh phủ HK đã ra lệnh cho phi cơ trinh sát thực hiện các phi vụ quan sát và hai khu trục hạm cũng đã được phái đến tận nơi, đổ bộ một toán lính lên đảo để mở cuộc tuần tiểu điều tra. Kết quả cho thấy là toán người TQ đã rời khỏi đảo). (6) (7)
- Ngày 9 tháng 6-1956, Đại diện lâm thời chánh phủ Pháp ở Manila thông báo Ngoại Trưởng Phi là quần đảo Trường Sa thuộc về Pháp với tư cách chiếm đóng trong hai năm 1932-1933, ông bày tỏ rằng trong khi Pháp đã nhượng lại quần đảo Hoàng Sa cho Việt Nam, Pháp đã không nhượng lại Trường Sa. (3)
- Ngày 26 tháng 6 năm 1956, hai khu trục hạm ĐL đã chở khoảng từ 50 đến 100 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) ra TS tái thiết lập trại lính trên đảo Ba Bình (Itu Aba). (cuối năm 1946, ĐL đã đưa hai khu trục hạm mang quân thiết lập doanh trại trên đảo này nhưng đã rút khỏi vào tháng 5-1950 để phòng thủ đảo ĐL sau khi lục địa Trung Hoa rơi vào tay Cộng Sản). (5)
- Trong khoảng 6 tháng cuối năm 1956 (có tài liệu viết là tháng 7-1956), chánh phủ VNCH đưa Tiểu Đoàn 42/162 Thủy Quân Lục Chiến ra đồn trú trên đảo HS. (8)
- Ngày 11 tháng 7-1956, lực lượng hải quân Đài Loan đổ bộ lên đảo Trường Sa cách đảo Ba Bình 180 hải lý về hướng Tây Nam trong thời gian ngắn. (3)
- Ngày 19 tháng 7-1956, tin từ TĐS/HK cho biết trong khoảng thời gian gần đây, ĐL đưa quân lên thiết lập trại lính trên một đảo thuộc quần đảo Trường Sa, một nhóm tư nhân người Phi và một chiến hạm của Pháp cũng đang có mặt trong vùng. Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho là Việt Nam không thể đứng yên trong khi Đài Loan, Phi Luật Tân và Pháp đang có những hành động thúc đẩy yêu sách chủ quyền của họ. Vì vậy, dường như ông quyết tâm đưa ra hành động chiếm cứ tượng trưng trên một hay nhiều đảo đang trong vòng tranh chấp ở TS để cũng cố yêu sách chủ quyền của VN. Việc ông muốn đưa ra vài hành động để giữ thể diện càng làm tăng thêm sự phức tạp đối với một hoàn cảnh khó xử. (9)
- Trong năm 1955 và 1956, BNG Phi đã quan tâm đến việc chiếm đóng và tuyên bố chủ quyền trên một hoặc nhiều đảo ở Trường Sa nhưng còn do dự vì lo ngại không được sự ủng hộ của HK. (2)
Những diển biến nêu trên xảy ra gần đây trong khu vực biển Đông đã làm HK lo ngại, tháng 8-1956, BNG/HK soạn thảo tài liệu lịch sử về Biển Đông, ngay trong trang đầu xác định lập trường HK như sau: “Vị thế quốc tế của các quần đảo này chưa bao giờ được giải quyết. HK không đưa ra yêu sách chủ quyền của riêng mình trong khu vực, cũng như không đưa ra bất cứ quyết định chính thức nào về giá trị của các yêu sách chủ quyền riêng biệt của các nước khác.” (2)
Từ sau năm 1956 tình hình Biển Đông tạm êm dịu cho đến năm 1971 lại nổi sóng với các sự kiện:
- Trong năm 1971, Phi đưa quân lên chiếm 5 đảo ở Trường Sa gồm các Đảo Song Tử Đông (Northeast Cay - Parola Island), Đảo Thị Tứ (Thitu Island - Pagasa island), Đảo Loại Tá (Loaita Island – Kota Island), Đảo Vĩnh Viễn (Nanshan Island – Lawak Island) và Đảo Dừa (West York Island – Likas Island). (10)
- Ngày 10 tháng 7-1971, Tổng Thống Marcos trong buổi họp báo chính thức đưa ra lời tuyên bố yêu cầu Đài Loan triệt thoái khoảng một Tiểu đoàn lính khỏi đảo Ba Bình (Itu Aba). Ngoài ra, Tổng Thống Marcos tuyên bố các đảo được Phi đặt tên Kalayaan trong quần đảo Trường Sa là ”vô chủ và tranh chấp” do vậy, từ nay trở đi với sự “chiếm đóng và kiểm soát” cũng đủ lý do để cho một quốc gia giành lấy chủ quyền hợp pháp đối với các đảo này.
Đài Loan đã cứng rắn bác bỏ lời yêu cầu này.
Bắc Kinh phản ứng với lời lẽ mạnh mẽ tái xác nhận yêu sách chủ quyền trên quần đảo Trường Sa và tố cáo Phi mưu toan vi phạm lãnh thổ Trung Hoa. (11) (12) - Ngày 13 tháng 7-1971, Ngoại Trưởng VNCH Trần Văn Lắm ngay tại thủ đô Manilla đã tuyên bố là Trường Sa và Hoàng Sa thuộc về Việt Nam từ bao nhiêu năm nay. (13)
- Ngày 15 tháng 7-1971, Bộ Ngoại Giao VNCH công bố văn thư tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. (4)
Thể hiện mối quan tâm, ngày 20 tháng 7-1971, BNG/HK tái phổ biến tài liệu về Biển Đông trong năm 1956 đến các cơ quan liên hệ, mô tả hiện nay vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa đang ở trong vòng tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Hoa, Đài Loan và Phi, ngoài ra Pháp còn ngấm ngầm dành chủ quyền trên một số đảo nhỏ ở Trường Sa , đồng thời xác nhận lập trường của HK là không đứng về phía nào trong vấn đề chủ quyền. (2)
- Tháng 8-1973, Hải Quân VNCH mở cuộc hành quân đổ bộ chiếm đóng đảo Nam Yết. Lần đầu tiên trong lịch sử, chánh quyền VNCH đã chánh thức thiết lập sự hiện diện thường trực của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa. (14)
- Ngày 6 tháng 9-1973, chánh phủ VNCH xáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy. (3)
- Ngày 07 tháng 12-1973, ĐS Martin gởi điện thư về BNG/HK trình bày ý kiến của ông: “ lập trường của HK trước cũng như sau vẫn luôn là không đứng về bên nào trước các yêu sách trái ngược nhau về chủ quyền trên các quần đảo. Đây là khu vực có sự tranh chấp, HK không nên can dự vào.” (15)
- Ngày 11 tháng 1-1974, Bộ Ngoại Giao TQ cáo buộc VNCH “… đặt hơn 10 đảo thuộc quần đảo Nam Sa (Nansha Islands) của Trung Hoa dưới quyền quản trị của tỉnh Phước Tuy …” Ngoài ra bản tuyên cáo tái xác nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Sa ( Chungsha-Macclesfield) và Đông Sa (Tungsha-Pratas).“
Tuy cũng tương tự như bản tuyên cáo phản đối chánh phủ Phi Luật Tân trong năm 1971, nhưng đây là lần đầu tiên TQ cho là “…các tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển bao quanh các quần đảo này cũng thuộc về TQ” và dùng lời lẽ cứng rắn có tính cách đe dọa như “nghiêm khắc lên án chánh quyền Sài Gòn vô cớ xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của TQ.”(4)
- Ngày 17 tháng 1-1974, Phát ngôn viên BNG/HK tuyên bố HK không có chủ quyền trên các hải đảo và mặt khác không dính líu và vấn đề này do các quốc gia tuyên bố chủ quyền tự giải quyết với nhau.
Trong cùng ngày, tại Sài Gòn, lo ngại trước sự việc các chiến hạm VNCH và TQ được tăng phái đến nhóm Nguyệt Thiềm thuộc quần đảo Hoàng Sa có thể đưa đến đụng độ về quân sự. Đại Sứ Martin nhận chỉ thị từ BNG/HK, đã gặp và nhấn mạnh với Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc 4 điểm sau:
1.- sự cần thiết làm dịu tình hình.
2.- tránh bất cứ hành động nào có thể đưa đến sự leo thang.
3.- lập tức cố gắng đưa sự xung đột qua lãnh vực ngoại giao như Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
4.- dù trong bất cứ trường hợp nào quân đội HK sẽ không can dự vào.
- Ngày 19 tháng 1, hải chiến giữa HQ/VNCH và HQ/TQ
- Ngày 20 tháng 1-1974, TQ đổ quân chiếm trọn Hoàng Sa. (8)
Về phần Phi, trong các lần tiếp xúc với TĐS/HK tại Manila, giới chức thẫm quyền Phi bày tỏ sự lo ngại TQ thừa cơ hội có thể sử dụng Hoàng Sa để làm bàn đạp chiếm luôn Trường Sa kể cả các đảo đang do Phi kiểm soát và họ muốn biết là nếu trường hợp này xảy ra, hiệp ước 1951 có áp dụng hay không?
Mặc dù muốn HK xác định lập trường căn cứ trên hiệp ước 1951, nhưng có lẽ chánh phủ Phi cũng hiểu là hiệp ước này sẽ không có giá trị trong trường hợp TQ dùng vũ lực chiếm đoạt các đảo Phi đang chiếm đóng. Tướng Paz, Phụ Tá Tình Báo Tham Mưu Trưởng Quân Lực Phi trong buổi thuyết trình trước các tùy viên quân sự ngày 28 tháng 1, phát biểu là sự viện dẫn vào hiệp ước 1951 sẽ phụ thuộc vào việc HK công nhận giá trị pháp lý tuyên bố chủ quyền của Phi trên các hòn đảo. Vì lý do có sự không rõ ràng trong hiệp ước nên ông nghi ngờ việc HK sẵn sàng hỗ trợ Phi nếu xảy ra đụng độ trên các đảo. (16)
Cùng quan điểm với Tướng Paz, ngày 30 tháng 1, Tổng Thống Marcos đã làm ĐS Sullivan ngạc nhiên khi ông tuyên bố là Phi sẽ rút quân ra khỏi các đảo trong khu vực Freedomland, thay vào đó là nhân viên dân sự ngành khí tượng, sự hiện diện của họ nhằm mục đích duy trì chủ quyền của Phi. (17)
TT Marcos nói rõ là "cộng đồng quốc tế" và các “cường quốc đồng minh đã phê chuẫn hiệp ước hòa bình với Nhật Bản" nên gánh vác trách nhiệm trong việc công bố quyết định quốc tế cuối cùng đối với các đảo giữa các phe tranh chấp. ĐS Sullivan trả lời ông là hiệp ước San Franciscon 1951 đã không giải quyết vấn đề tuyên bố chủ quyền và HK không có lập trường đối với giá trị pháp lý của các tuyên bố chủ quyền khác nhau. (17)
Tiếp theo Bộ trưởng Quốc phòng Phi Enrile cho ĐS Sullivan biết là việc triệt thoái sẽ được hoàn tất trong vòng “vài ngày sắp tới” và các nhân viên dân sự này là các nhân viên kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng, họ sẽ ở lại trên các đảo và đảo san hô với mục đích duy trì chủ quyền Phi.Đại Sứ Sullivan ghi nhận là trong cuộc tiếp xúc, TT Marcos không đề cập đến hiệp ước 1951 mặc dù ông bày tỏ sự lo ngại là TC có thể tấn công đảo Ba Bình do Đài Loan trấn đóng.
Và ĐS Sullivan kết luận là qua ý định rút quân của TT Marcos, HK sẽ không còn phải đối diện trực tiếp và cấp thời đối với sự có thể áp dụng hiệp ước phòng thủ hỗ tương Phi-HK 1951 vì lực lượng quân sự Phi không còn dính líu vào khu vực này. (17)
Ngày 30 tháng 1, sau khi kiểm chứng, TĐS/SG đã gởi văn thư hồi báo BNG/HK xác nhận là TT Nguyễn Văn Thiệu e ngại TC sẽ thừa cơ hội tiến chiếm quần đảo Trường Sa, đã ra lệnh cho Hải Quân VNCH mở cuộc hành quân chiếm thêm 5 đảo ở Trường Sa thay vì tái chiếm Hoàng Sa như UPI đã loan tin. Văn thư cũng cho hay là vào buổi trưa cùng ngày, Đại Sứ Martin đã có cuộc thảo luận với Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc về vấn đề này. Ông đã thận trọng bày tỏ ý kiến là TC có thể sẽ không có hành động tức thời đưa quân vào TS nếu cuộc hành quân không làm thay đổi tình trạng ở TS. Tuy nhiên ông cũng lo ngại TC có thể sẽ mượn cớ là VNCH xâm lăng lãnh thổ của họ để có phản ứng tương tự như ở HS. Ông nghĩ là VNCH đã cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề cũng như hậu quả của hành động.
Ngày 1 tháng 2, thi hành lệnh Tổng Thống Thiệu, HQVNCH chiếm thêm 5 đảo ở Trường Sa. Trong số này có đảo Song Tử Tây (Southwest Cay-tên Phi là Pugad) mà Phi cho là nằm trong khu vực Kalayaan hay Freedomland thuộc về họ bởi quyền chiếm hữu. (17)
Sự kiện VNCH chiếm thêm 5 đảo ở TS đã làm tình hình thêm phức tạp.
- Ngày 5 tháng 2, BNG/TC tố cáo VNCH “xâm lăng và chiếm cứ” một số đảo ở TS, cảnh cáo TC sẽ không “tha thứ sự xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền” do Sài Gòn gây ra dù được “ viện dẫn bất cứ lý do nào”. Đây là lời cảnh cáo cứng rắn của TC nhưng Bắc Kinh không nói rõ là họ sẽ có hành động đe doạ nào trong thời gian sắp đến. (19)
Cùng ngày, tại trụ sở BNG/HK, Đại Sứ VNCH Trần Kim Phượng yêu cầu Phụ Tá Ngoại Trưởng HK Kenneth Rush có thể đưa ra bất cứ lời giải thích nào về lý do tại sao TC cưỡng chiếm Hoàng Sa và đã được ông trả lời là HK không có lập trường về chủ quyền trên các lãnh thổ này khi mà chúng không liên quan đến lợi ích quốc gia và an ninh cho HK. Điều gì thúc đẩy các nước ra tay hành động trong tranh chấp này là do các nước liên hệ giải thích. (20)
- Ngày 7 tháng 2, Ngoại Trưởng Shen của Đài Loan đã mời Đại Sứ VNCH tại Đài Bắc là Nguyễn Văn Kiểu đến BNG để phản đối hành động của VNCH. Ông tái xác nhận chủ quyền của Đài Loan trên quần đảo Trường Sa và cho là lập trường này không thay đổi cho dù dưới bất cứ biện pháp nào do bất cứ nước nào gây ra. Ngoài ra ĐL bày tỏ mối lo ngại là hành động này của VNCH sẽ đưa dến phản ứng của TC và sẽ dẫn đến sự đối đầu giữa TC với lực lượng ĐL và VNCH trong quần đảo TS. (21)
Về phần chánh phủ Phi, họ xem vấn đề này rất nghiêm trọng vì khu vực nói trên đã được Phi dành lấy bằng quyền chiếm giữ, các đảo này gồm có Lawak (Đảo Vĩnh Viễn), Pagasa (Đảo Thị Tứ), Kota (Đảo Loại Tá), Likas (Đảo Dừa) và Parola Island (Đảo Song Tử Đông).
- Ngày 8 tháng 2, TĐS/HK tại Manila báo cáo về BNG/HK là các hành động gần đây của chánh phủ VNCH chiếm đóng các đảo và bãi đá san hô trong Biển Đông đã làm cản trở kế hoạch triệt thoái của Phi. Hiện tại, vì 2 đảo do Việt Nam chiếm đóng nằm trong tầm nhìn của một số đảo do Phi chiếm cứ từ trước, nên Phi cảm thấy là họ khó có thể triệt thoái một cách kín đáo. Hơn nữa, Phi không muốn tạo ra ấn tượng là họ rút lui trong nỗi lo sợ hay kính nhường, do đó có thể cám dỗ VNCH chiếm các đảo này ngay cả khi các nhân viên khí tượng dân sự Phi còn ở trên đảo.
Để kết luận, ĐS Sullivan yêu cầu BNG/HK giải thích bổn phận của HK trong trường hợp lực lượng Phi bị tấn công ở Trường Sa. (22)
Trong văn thư trả lời Đại Sứ Sullivan, NT Kissinger xác nhận lập trường của HK dựa theo hiệp ước 1951 gồm các điểm chính yếu sau đây:
- quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không - lặp lại không - nằm trong giới hạn của hiệp ước như đã được vẽ trên bản đồ Hoa Kỳ xác định các khu vực thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ và Phi phù hợp với mục đích của hiệp ước phòng thủ hổ tương.
- trước các tuyên bố chủ quyền khác nhau trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lập trường Chính phủ Hoa Kỳ theo đó chủ quyền trên hai quần đảo này chưa được xác định là rõ ràng và đã ghi vô hồ sơ công cộng vào thời điểm hiệp ước được ký kết.
- hiệp ước bảo vệ quân đội Hoa Kỳ và Phi ở Thái Bình Dương không có ý định nới rộng đến các lực lượng có thể được đồn trú trên các khu vực lãnh thổ tranh chấp nổi tiếng như Trường Sa với mục đích thiết lập hay thi hành yệu sách chủ quyền đối với lãnh thổ tranh chấp.
- Trong bất cứ trường hợp nào, ngay cả khi hiệp ước được áp dụng, phương thức hành động cần phải có để đương đầu với “nguy hiểm chung” trong điều IV có thể khác xa với trường hợp tấn công vào chính nước Phi.
- Hoa Kỳ không - lặp lại không - xem quần đảo Trường Sa đã được đặt dưới “sự quản trị của các cường quốc Đồng Minh" dựa trên các điều khoản của hiệp ước 1951 với Nhật Bản. (23)
Tiếp theo Đô Đốc Elmo R. Zumwalt, Jr. TL/Hải Quân/HK thảo văn thư trình bày lập trường của ông: “Sự chiếm đóng một số đảo ở Trường Sa của Việt Nam, Đài Loan hoặc thậm chí có thể bởi Trung Quốc, có thể đưa đến xung đột vũ trang, đây không phải là một mối đe dọa đến lợi ích sống còn của HK và cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Phi. Do vậy, HK nên cẩn trọng tránh xa tham dự vào bên này hay bên kia.” (24)
Đúng như dự đoán của HK, sau khi cân nhắc, TQ chỉ đe dọa suông không mang quân tiến chiếm Trường Sa.
Chỉ trong vòng hơn một năm, tháng 4-1975, Biển Đông lại nổi sóng, lần này giữa CSBV và VNCH.
Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) cũng có cùng mối lo như VNCH sau trận hải chiến Hoàng Sa, vì vậy đã hành động tương tự qua nhận xét của ĐS/HK tại Phi William Sullivan trong điện văn báo cáo về BNG/HK: ”Trong một thời gian, tôi đã lo ngại là những diễn tiến hiện nay tại Việt Nam sẽ khơi dậy lòng ham muốn của TQ để chiếm đoạt quần đảo TS và các đảo tranh chấp trong Biển Đông …………, bây giờ đã cho thấy là Hà Nội cũng có điểm lo ngại tương tự và đã ra tay trước để ngăn chận TQ, ít nhất là những hòn đảo do VNCH chiếm đóng”. (2)
Ngày 14 tháng 4-1975, CSBV chiếm Đảo Song Tử Tây; đến ngày 28-4, CSBV hoàn tất chiếm tất cả 6 đảo do VNCH chiếm đóng ở TS.
Hành động của CSBV đã làm Phi lo lắng bội phần, vì đây là lần đầu tiên một nước Cộng Sản nằm ngay bên cạnh chỉ cách vài cây số.
Và lần này trong tình trạng khẩn trương hơn, hiệp ước 1951 lại được đề cập đến, và ĐS Sullivan lại yêu cầu BNG/HK cho chỉ thị. (25) Ngày 5 tháng 5-1975, BNG/HK tái xác nhận văn thư đã phổ biến trong tháng 2-1974 giải thích về sự khả thi của hiệp ước 1951 vẫn còn được áp dụng trong trường hợp đang xảy ra ở TS. Trong điện thư, BNG/HK đồng ý nhận định của ĐS Sullivan khi ông giải thích với chánh phủ Phi: “CSBV ra tay trước là để ngăn chận TQ và có nhiều hy vọng là CSBV sẽ không sớm mở các cuộc tấn công vào Phi hay Đài Loan.”
Về phần TQ, BNG/HK cho là vì mối giao hảo tốt đẹp với CSBV và với các nước còn lại trong vùng Đông Nam Á, TQ sẽ không tấn công Phi trong lúc này.
Đối với hiệp ước 1951, BNG/HK nhận xét “quan điểm về mặt pháp lý được xem là thích hợp nhất và là kết luận duy nhất dựa trên thực tế mà chúng ta có thể đạt đến là hiệp ước không áp dụng. Nếu CSBV hoặc TQ, trái với dự tính của BNG, mở cuộc tấn công vào lãnh thổ Phi đang chiếm đóng ở Trường Sa, dĩ nhiên HK sẽ cứu xét các biện pháp chánh trị hữu ích không kể đến các điều cam kết trong hiệp ước.” Tiếp theo, BNG/HK chỉ thị ĐS Sullivan: “Vì vậy ĐS phải cố gắng hết sức để tránh bất cứ cuộc thảo luận nào thêm về vấn đề này. Nếu vấn đề này lại được chánh phủ Phi nêu lên, ĐS nên lập lại rằng chính phủ HK không có lập trường về vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa hoặc quần đảo Trường Sa. ĐS cũng nên nhắc lại là BNG hy vọng bất cứ tranh chấp nào cũng có thể được giải quyết một cách hòa bình bởi các phía liên quan.”
Sau cùng, qua báo cáo của ĐS Sullivan trong những lần gặp gỡ TT Marcos và các nhân vật cao cấp trong chánh phủ Phi, BNG/HK nhận xét là chánh phủ Phi đã đoán trước lập trường của HK là các điều khoản trong hiệp ước 1951 không áp dụng đối với quần đảo Trường Sa. (26)
Và giống như định luật của đất trời, Biển Đông có lúc bình yên, có lúc lại nổi sóng cho đến ngày hôm
nay.
Nhận định.
Với lợi ích kinh tế quá lớn lao qua các dịch vụ trao đổi thương mại (mỗi năm 1.200 tỷ đô la với HK và 4.100 tỷ đô la với các nước khác), do vậy HK luôn nhấn mạnh đến giải pháp hòa bình cho Biển Đông. Nếu khủng hoảng xảy ra, tàu chở hàng bắt buộc phải sử dụng các tuyến hải hành khác, gây tổn hại và bất ổn cho nền kinh tế của HK và các nước đồng minh như Nhật, Đại Hàn, Đài Loan … từ kết quả của sự gia tăng lệ phí bảo hiểm và thời gian hải hành lâu hơn. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến các công ty dầu khí HK đang họp tác khai thác với các quốc gia quanh vùng Biển Đông.
Từ trước đến nay, HK chưa bao giờ công khai tuyên bố đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền Biển Đông, ngay cả đối với các nước Đồng Minh như Pháp vào khoảng thập niên 1930 ở Trường Sa, Đài Loan ở Đông Sa (Pratas) và Ba Bình ở Trường Sa, Việt Nam Cộng Hòa ở Hoàng Sa, Trường Sa và Phi ở Trường Sa.
HK tiên liệu là sự tăng trưởng về kinh tế và bành trướng về quân sự của TC sẽ đi đôi với việc coi thường luật pháp quốc tế và sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng cho quyền lợi của HK. Với mục tiêu trở thành cường quốc biển, cạnh tranh với hải quân HK trên khắp các đại dương, TQ đang và sẽ là mối đe dọa và thách thức đối với HK trong Biển Đông, nơi mà Đệ 7 Hạm đội của hải quân HK đã từng chế ngự từ bao năm nay.
Vì lợi ích kinh tế, một mặt HK phải hòa dịu, nhưng mặt khác cũng muốn TQ hiểu rõ là HK sẽ hành động khi TQ vượt quá giới hạn đã vạch ra.
Do vậy, mặc dù không có lợi khi có va chạm quân sự trực tiếp giữa hai bên, nhưng HK bắt buộc sẽ có thái độ cứng rắn trong trường hợp đụng độ vũ trang xảy ra giữa TQ và các quốc gia trong vùng Biển Đông có thể gây ảnh hưởng đến tuyến giao thông hàng hải huyết mạch ngang qua Biển Đông mà quan trọng nhất là tuyến nằm giữa bờ biển Việt Nam và Trường Sa.
Còn với các “hành động xâm lấn ôn hòa” sẽ tùy theo các nước liên hệ tự giải quyết, như trong trường hợp Phi, dù HK vẫn xem như là đồng minh đáng tin cậy, HK sẽ ủng hộ qua ngôn ngữ ngoại giao hoặc biểu dương lực lượng.
TQ có lẽ đã đoán được ý định của HK sau lần chiếm đoạt Đá Vành Khăn, nên họ sẽ tiếp tục áp dụng chiến thuật tầm ăn dâu, tránh né sử dụng vũ lực, để chiếm dần các vị trí chưa bị chiếm đóng mặc dù chúng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi; một khi Phi vẫn chưa tự lực bảo vệ cho chính mình thì chuyện mất dần lãnh thổ sớm muộn gì cũng đến
Và TQ cũng thừa hiểu là nền kinh tế của họ cũng lệ thuộc rất nhiều vào hải trình ngang Biển Đông. Trong năm 2011, TQ nhập cảng khoảng 58% dầu, trong đó khoảng 85% số lượng nhập cảng này được vận chuyển ngang qua Biển Đông và eo biển Malacca. (27) Do vậy nếu xung đột bột phát, TQ sẽ gánh chịu ảnh hưởng tai hại không những về mặt ngoại giao mà ngay cả về kinh tế. Do vậy họ rất thận trọng, tránh xảy ra tình trạng đối đầu quân sự, điển hình là trường hợp Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) hồi tháng 5-2013, TQ đã rút lui sau khi Phi tỏ thái độ cứng rắn.
Kết luận
Qua các tài liệu trao đổi trong nội bộ chánh phủ Hoa Kỳ đã được dẫn chứng ở phần trên, có thể rút ra kết luận về lập trường của HK đối với hiệp ước 1951 và đối với Biển Đông như sau :
1.- Lập trường Hoa Kỳ đối với Hiệp ước phòng thủ hổ tương HK-PHI 1951:
- Hoa Kỳ chỉ có bổn phận đối với phần lãnh thổ và lãnh hải đã được quy định và ghi chú trên bản đồ khi ký kết hiệp ước 1951 (trong bản đồ không có các đảo, bãi cạn, bãi đá … Phi đã chiếm cứ sau này)
- Các điều khoản của hiệp ước 1951 không áp dụng vào các đảo mà Phi đã tuyên bố chủ quyền ở TS.
Quan điểm của Kissinger về hiệp ước 1951 trong năm 1974 và 1975 bất lợi cho Phi. Dựa trên các văn thư trao đổi giữa BNG và TĐS/HK tại Manila, chứng tỏ là ĐS Sullivan chưa trình bày với chánh phủ Phi về lập trường dứt khoát của HK đối với hiệp ước 1951. Mặc dù Phi vẫn hiểu ngầm là hiệp ước 1951 không áp dụng, tuy nhiên qua sự dẫn chứng văn thư của NT Cyprus Vance năm 1979 như là bằng chứng cụ thể đã mang đến lợi thế cho Phi, một khi HK chưa chính thức công bố luận cứ, hoặc viện dẫn quan điểm của Kissinger để bác bỏ lời xác nhận của NT Vance. Điểm khác biệt quan trọng là NT Cyprus Vance giải thích hiệp ước 1951 một cách bao quát hơn, gồm luôn cả quần đảo TS. Và qua lời xác nhận của NT Cyrus Vance, thì trong trường hợp tàu thuyền hoặc chiến hạm Phi bị TQ tấn công, HK sẽ viện dẫn đến hiệp ước để đưa ra biện pháp đối phó. Trước hết, chánh phủ HK và Phi sẽ gặp nhau thảo luận để xác định phương thức hành động thích ứng. Quyết định về sự lựa chọn những phản ứng cụ thể sẽ phụ thuộc vào tình hình chính trị và hoàn cảnh của cuộc xung đột.
Cách dẫn giải này của NT Vance không được chính xác lắm so với ngôn ngữ trong hiệp ước và không thích hợp với đường lối của chánh phủ HK trong khoảng thời gian gần đây. Do vậy, HK thường tránh né đề cập đến hiệp ước 1951 hoặc nếu có nói đến hay tránh đi vào chi tiết.
Tuy nhiên, nếu chiến tranh bùng nổ trong khu vực các đảo hiện đang do Phi chiếm giữ ngoài TS và có nguy cơ lan rộng, ảnh hưởng đến tuyến giao thông huyết mạch trong Biển Đông, trong trường hợp này, có thể HK sẽ nhảy vào can thiệp dựa trên cam kết của NT Cyrus Vance.
- Đối với các vị trí (bãi đá, bãi cạn …) nằm trong vùng EEZ của Phi :
a.- HK không trực tiếp can thiệp khi vũ lực không được sử dụng đến. Điển hình là Đá Vành Khăn và Bãi Hoàng Nham nằm trong vùng EEZ của Phi và đường 9 đoạn của TQ. Tuy nhiên HK sẽ dùng “ngôn ngữ ngoại giao” và “biểu dương lực lượng” để ngăn chận xảy ra xung đột vũ trang.
b.- Trường hợp đệ tam quốc gia mở cuộc tấn công vũ trang vào khu vực này.
Hoa Kỳ luôn xác định là những điều cam kết trong hiệp ước 1951 sẽ được tôn trọng. Tuy nhiên từ chối đưa ra các biện pháp cụ thể với lý do đây chỉ là giả thuyết. (LTG: Tuyến giao thương hàng hải quan trọng nhất trong Biển Đông nằm giữa bờ biển Việt Nam và quần đảo Trường Sa. Như vậy nếu có những đụng chạm vũ trang nhỏ nhặt xảy ra, chưa chắc HK sẽ can thiệp.)
2.- Lập
trường Hoa Kỳ đối với Biển Đông :
- Hoa Kỳ không tuyên bố chủ quyền trên bất cứ hòn đảo nào trong Biển Đông.
- Hoa Kỳ không đứng về phe nào trong vấn đề tuyên bố và tranh chấp chủ quyền hải đảo giữa các quốc gia trong Biển Đông.
- Quyền tự do hàng hải trong đường giao thông huyết mạch xuyên qua Biển Đông phải được tôn trọng.
- Hoa Kỳ mong muốn các nước thi hành Hiệp ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc.
- Hiệp hội các quốc gia trong vùng Đông Nam Á và Trung Quốc nên thảo luận để phê chuẫn hiệp ước về cách ứng xử hòa bình ở Biển Đông.
- Hoa Kỳ sẽ đứng ngoài khi có xung đột giữa các quốc gia (chỉ can thiệp khi nguy hại đến an ninh hàng hải).
- Hoa Kỳ không tuyên bố chủ quyền trên bất cứ hòn đảo nào trong Biển Đông.
- Hoa Kỳ không đứng về phe nào trong vấn đề tuyên bố và tranh chấp chủ quyền hải đảo giữa các quốc gia trong Biển Đông.
- Quyền tự do hàng hải trong đường giao thông huyết mạch xuyên qua Biển Đông phải được tôn trọng.
- Hoa Kỳ mong muốn các nước thi hành Hiệp ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc.
- Hiệp hội các quốc gia trong vùng Đông Nam Á và Trung Quốc nên thảo luận để phê chuẫn hiệp ước về cách ứng xử hòa bình ở Biển Đông.
- Hoa Kỳ sẽ đứng ngoài khi có xung đột giữa các quốc gia (chỉ can thiệp khi nguy hại đến an ninh hàng hải).
Phi không thể dựa vào Hoa Kỳ để can thiệp cho Phi trước hành động khiêu khích của TQ ở Biển Đông, bất kể hiệp ước 1951 với HK.
HK có lợi ích riêng của mình để quan tâm. Trừ khi những lợi ích đó bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hành động khiêu khích của TQ chống lại một bên thứ ba, không thể mong đợi HK can dự vào một cuộc tranh chấp mà họ có rất ít hoặc không có lợi lộc gì.
Từ lâu, HK đã có quan hệ tương đối chặt chẽ với Phi, tuy nhiên không phải trong bất cứ trường hợp nào HK cũng nhảy vô can thiệp. Trường hợp duy nhất HK có thể bị bắt buộc phải can thiệp dựa trên cơ sở hiệp ước 1951 là khi TQ thực sự tấn công Phi. Nhưng tại sao TQ lại làm một việc ngu xuẫn như thế khi TQ biết chắc là họ có thể chiếm đoạt lãnh thổ Phi bằng cách khác, ít tốn kém hơn.
Có rất nhiều cách để lột da con mèo. Và phương pháp TQ sử dụng rất đơn giản bằng cách dọa nạt, xua đuổi chúng tôi đi đã chứng tỏ rất thành công qua số lượng các đảo và mỏm đá họ chiếm đoạt trong Biển Đông ngày càng tăng.
TQ không cần thiết sử dụng vũ lực vì như thế có nguy cơ bắt buộc HK phải ra tay dựa theo Hiệp ước phòng thủ hổ tương với Phi, HK chỉ cần biểu dương lực lượng để dằn mặt TC cũng đủ để giữ cho Phi được an toàn.
Ván cờ TQ đang chơi đã mang lại thắng lợi lớn, họ chỉ cần gửi hạm đội đánh cá, tiếp theo là các đơn vị hải giám, và sau cùng một bộ phận của hải quân cũng đủ để phong tỏa xung quanh các đảo nhỏ mà họ thèm muốn.
Cho đến khi nào Phi không thể ngang hàng với sức mạnh quân sự của TQ, Phi sẽ vẫn luôn là một người đứng nhìn, dù tức giận nhưng bất lực trước một nước TQ từ từ nhưng kiên định chiếm đoạt lãnh thổ, không bao giờ quan tâm đến quyền sở hữu đang trong vòng tranh chấp không chỉ riêng với Phi mà còn với các nước khác.
Tất nhiên, HK không thể để người bạn cũ mang ấn tượng rằng HK đang từ bỏ họ trong lúc họ đang cần đến. Điều này không chỉ mang đến ấn tượng xấu trong mối tương quan chung Phi-HK, thậm chí nó còn có thể làm suy yếu các mối quan hệ giữa HK với các quốc gia khác mà sự hỗ trợ và tình hữu nghị được qúy trọng hơn là lợi ích riêng của HK .
Đặc biệt là kể từ khi có nhiều kẻ thù tuyên thệ khai chiến hủy diệt HK, chúng ta không thể xem HK như là một đối tác không đáng tin cậy. HK sẽ tiếp tục là một người bạn, nhưng tình bạn đối với HK sẽ được quyết định bởi nhu cầu và lợi ích riêng của mình .
Như vậy, chừng nào còn mối liên hệ, HK vẫn tiếp tục xem Phi như một người bạn. HK khó có thể tìm đồng minh nào tốt hơn và trung thành hơn Phi. Trừ khi TQ tấn công Phi, HK sẽ không bao giờ nhảy vào can thiệp trong một cuộc tranh chấp đáng tiếc. Tuy nhiên, HK sẽ tiếp tục làm những điều để duy trì ảo giác là HK đứng về phía Phi. Phương thức hiệu quả để duy trì những ảo ảnh của tình hữu nghị là liên tục gửi tàu chiến đến các hải cảng Phi để tiếp tế nhiên liệu và thăm viếng, điều này không là gì cả, chỉ làm sống lại một chức năng đã bị gián đoạn qua việc đóng cửa các căn cứ HK ở đây, nhưng rất tiếc là người Phi đã hiểu sai như là một cảnh báo cho TQ.
Nếu TQ coi các chuyến thăm như một lời cảnh báo, hoặc run sợ hay cảm thấy bị đe dọa bởi các chuyến thăm như thế, họ đã có thể dừng lại, ngược lại, TQ tiếp tục tăng cường các hành động khiêu khích ở Biển Đông.
HK tạo ra ấn tượng tốt của tình bạn, cung cấp tàu tuần tra cũ kỷ mà chỉ vì quá sung sướng chúng ta tìm tên mới để đặt và gọi đó là chiến hạm. Những gì còn lại tuy không được nói ra nhưng phải được hiểu là HK đang cho chúng ta những cây gậy để chúng ta chiến đấu một mình. Hãy xem TQ nghĩ gì về điều này. (28)
Tham khảo:
- (2) Department of State – Bureau of Intelligence and Research “Islands of the South China Sea” July 1971.
Trong tháng 2-1974, giải đáp thắc mắc của Tòa Đại Sứ Anh tại Paris liên quan đến việc chánh phủ Pháp tuyên bố chủ quyền trên quần đảo TS trước đây, chánh phủ Pháp trả lời là trong thời kỳ bảo hộ họ đã thay mặt đế quốc An Nam để làm việc này. (Văn thư số 058944 ngày 04 tháng 2-1974 từ TĐS/HK ở Paris gởi về BNG/HK).
- (3) Esmond D. Smith, Jr “ China, Technology and the Spratly islands” Naval War College, March 1994.
- (4) White paper on the Hoang Sa and Truong Sa-Republic of Vietnam Ministry of Foreign Affairs Saigon, 1975.
- (5) tài liệu CIA ngày 27-6-1956.
- (6) Foreign relations of the United States 1955-1957.
- (7) tài liệu CIA ngày 12-6-1956.
- (8) Thềm Sơn Hà “Kế hoạch cưỡng chiếm Hoàng Sa tháng 1-1974 của Trung Cộng”. Đặc san Đồng Nai-Cửu Long số 12, tháng 3-2011 & www.hqvnch.net
- (9) tài liệu CIA ngày 19-7-1956.
- (10) Điện văn số 096273 ngày 25 tháng 1-1974 từ TĐS/Manila gởi BNG/HK.
- (11) tài liệu CIA ngày 23-7-1971.
- (12) Điện văn số 066070 ngày 23 tháng 1-19 73 từ TĐS/Manila gởi BNG/HK.
- (13) Vietnam Bulletin – Volume VI, No.5&6, August 1971.
- (14) Thềm Sơn Hà “ Hành quân chiếm đóng đảo Nam Yết tháng 8-1973” đăng trong www.hqvnch.net.
- (15) Điện văn số 062234 ngày 07 tháng 12-1973 từ TĐS/SG gởi BNG/HK.
- (16) Điện thư số 117014 ngày 29 tháng 1-1974 từ TĐS/Manila gởi BNG/HK.
- (17) Điện thư số 000277 ngày 30 tháng 1-1974 từ TĐS/Manila gởi BNG/HK.
- (18) Thềm Sơn Hà “HQ/VNCH mở cuộc hành quân THĐ 48 chiếm cứ 5 đảo ở Trường Sa vào tháng 2-1974” đăng trong www.hqvnch.net.
- (19) Điện văn số 075211 ngày 5 tháng 2-1974 từ BNG/HK gởi TĐS/SG.
- (20) Điện văn số 093435 ngày 7 tháng 2-1974 từ BNG/HK gởi TĐS/SG.
- (21) Điện văn số 099386 ngày 8 tháng 2-1974 từ BNG/HK gởi TĐS/Đài Bắc.
- (22) Điện văn số 101878 ngày 8 tháng 2-1974 từ TĐS/Manila gởi BNG/HK.
- (23) Điện văn số 101036 ngày 8 tháng 2-1974 từ BNG/HK gởi TLS/HK.
- (24) Văn thư TL/HQHK tháng 2-1974.
- (25) Điện văn số 030753 ngày 16 tháng 4-1975 từ TĐS/Manila gởi BNG/HK.
- (26) Điện văn số 062068 ngày 5 tháng 5-1975 từ BNG/HK gởi TL/Lực Lượng HK/Thái Bình Dương.
- (27) Annual Report to Congress: Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China 2013/Department of Defense
- (28) Jerry S. Tundag “Helpless and alone against China”- June 14, 2013 www.philstar.com /freeman-opinion.
No comments:
Post a Comment