HẢI CHIẾN TÂY SA NGÀY 19 THÁNG 1 NĂM 1974
La Thành Danh
Gần đây, có vài bài dịch tương tự đã được phổ biến, tuy nhiên đây là bản dịch
mà tác giả đã nhờ một người bạn cùng khóa là HQ Đại úy La Thành Danh
(k.17/SQHQ/NT) thực hiện từ lâu và anh chỉ dịch những phần chính yếu từ ngày HQ
16 đến Hoàng Sa cho đến ngày xảy ra trận hải chiến 19-1-1974.
Đặc biệt đây là tài liệu duy nhất xác định HQ 10 do HQ Đại úy Nguyễn Thành Trí thay thế Thiếu tá Ngụy Văn Thà đã hy
sinh, dốc toàn lực định húc ngay phía sau chiếc T-43 số 389.
Người
dịch xin giữ nguyên một số danh từ đã được dịch từ nguyên văn như sau:
- quần đảo Tây Sa: quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands).
- quần đảo Tuyên Đức: nhóm Tuyên Đức hay nhóm An Vĩnh (Amphitrite Group).
- đảo Vĩnh Hưng: đảo Phú Lâm (Woody Island).
- quần đảo Vĩnh Lạc: nhóm Nguyệt Thiềm hay nhóm Lưỡi Liềm (Crescent
Group).
- đảo San Hô: đảo Hoàng Sa (Pattle Island).
- đảo Cam Tuyền: đảo Cam Tuyền hay đảo Hữu Nhật (Robert Island).
- đảo Kim Ngân: đảo Vĩnh Lạc hay đảo Quang Ảnh (Money Island).
- đảo Tấn Khanh: đảo Duy Mộng (Drummond Island).
- đảo Thâm Hàng: đảo Quang Hoà (Duncan Island).
- đảo Quảng Kim: đảo Quang Hòa Tây (Duncan Island West).
- đá Linh Dương: đá Hải Sâm (Antelope Reef).
*************************
Đảo Hải Nam, đảo lớn thứ
nhì của nước ta, bao quanh bởi một số đảo lớn nhỏ rãi rác khoảng 330 km về hướng
đông nam, ngoài ra có 2 quần đảo san hô, phiá đông là quần đảo Tuyên Đức, có đảo
chánh của Tây Sa là đảo Vĩnh Hưng, diện tích khoảng 2,1 km2 nằm ngay trong đó;
phía tây là quần đảo Vĩnh Lạc, gồm có San Hô, Cam Tuyền, Kim Ngân, Thâm Hàng, Tấn
Khanh và đảo Quảng Kim.
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, Hải quân ta và Hải quân Nam Việt Nam (Nam VN) đã chiến
đấu nhau tại quần đảo Vĩnh Lạc này, tuy trận chiến xảy ra không quy mô mấy,
nhưng là lần đầu tiên từ khi Tân Trung quốc thành lập, Hải quân ta đánh nhau với
Hải quân ngoại quốc và lập được thành tích toàn thắng.
Trận chiến này nói lên được chủ quyền của ta và lấy lại phần đảo đã mất.
Quần đảo Tây Sa từ xưa
đến nay vẫn là lãnh thổ của ta, vì vị trí chiến lược của nó nên các cường quốc
vẫn rình rập để chiếm đoạt. Trước thế chiến II, một số đảo thuộc về Pháp, năm
1939, Hải quân Nhật ra binh, cưỡng chiếm lấy một số đảo, vì cho rằng các đảo
này là của ta nên Nhật phải chiếm. Thế chiến II kết thúc, ta mới tiếp thu các đảo
do Nhật chiếm đóng.
Sau trận Điện Biên Phủ, thế lực Pháp yếu đi, nên Pháp trao lại đảo San Hô cho
chánh phủ Nam VN. Ngày 26 tháng 5 năm 1956, chánh phủ Nam VN tuyên bố toàn bộ
quần đảo Tây Sa, Nam Sa thuộc chủ quyền của Nam VN, đồng thời Nam VN chiếm đóng
quần đảo Vĩnh Lạc và đảo Cam Tuyền. Ngày 21 tháng 8 năm 1958, Nam VN xâm chiếm
đảo Thâm Hàng.
Ngày 4 tháng 9 năm 1958, chánh phủ TQ tuyên bố quần đảo Tây Sa thuộc lãnh thổ của
họ.
Lời tuyên bố này của TQ được sự ủng hộ của thế giới và nước Dân chủ Cộng hoà Việt
Nam. Dưới sự áp lực của thế giới, quân xâm lược Nam VN bắt buộc phải rút khỏi
Cam Tuyền, Thâm Hàng và Kim Ngân, nhưng họ vẫn chiếm cứ đảo San Hô. Cuối năm
1973, Nam VN chiếm lấy tất cả 6 hòn đảo thuộc Tây Sa và Nam Sa (Trường Sa) của ta.
Tháng 1 năm 1973, theo hiệp định Paris thì Hoa Kỳ (HK) bắt đầu rút quân khòi
NVN, tuy nhiên HK vẫn để lại rất nhiều chiến hạm và vũ khí còn lại cho Nam VN.
Hải quân Nam VN tưởng mình đã trưởng thành khi được xếp trong vòng 10 hạng đầu
của lực lượng hải quân thế giới. Tình hình nội bộ chánh phủ lũng cũng khi Mỹ
rút, nên họ đánh liều một ván bài thử thách với lực lượng bên ngoài.
Bước đầu họ chiếm Kim Ngân và Cam Tuyền, từ đó làm bàn đạp đánh lùi hải quân ta
ra khỏi quần đảo Vĩnh Lạc, rồi sau đó chiếm trọn quần đảo Tây Sa.
Theo kế hoạch, từ tháng 8 năm 1973 trở đi, Nam VN thường xuyên phái các chiến hạm
xâm phạm lãnh hải, xua đuổi các tàu đánh cá, thậm chí bắt giải các ngư phủ ta.
Ngày 11 tháng 1 năm 1974, Nam VN ngang nhiên tuyên bố quần đảo Tây Sa thuộc về
Nam VN. Trong lúc này, tình hình giữa TQ và Nga đang căng thẳng, tất cả lực lượng
hậu cần điều động về phía bắc, đối địch với Nga nên bỏ lơ phía Nam VN. Mặc dù Bộ Ngoại giao TQ tuyên bố tái khẳng định
chủ quyền không thể chối cãi của TQ trên các đảo trong Biển Đông, tuy nhiên
chánh quyền Nam VN tỏ vẻ hung hăng hơn.
Ngày 15-1, chiến hạm Lý Thường Kiệt (LTK) HQ 16 không những nhắm vào 2 chiếc
ngư thuyền 402, 407 đang hành nghề gần đảo Cam Tuyền khai hỏa thị oai, mà còn
nhắm bắn vào cột cờ Trung Quốc của ta trên đảo Cam Tuyền.
Hôm sau, HQ 4 Trần Khánh Dư (TKD) đến tăng cường, buổi sáng 17-1, quân đội Nam
VN đổ bộ đảo Kim Ngân thuộc quần đảo Vĩnh Lạc, buổi chiều cưỡng chiếm thêm đảo
Cam Tuyền.
Trung Quốc bèn phái 2 chiến hạm số 271 và 274 từ Hải Nam tiến tới khu vực, mất
khoảng 8 tiếng, đồng thời tăng cường 2 chiến hạm số 389, 396 từ Quảng Châu đến
quần đảo Vĩnh Lạc, 2 chiến hạm sau đến nơi chiều ngày 18-1 và đổ bộ dân quân đến
3 đảo Tuấn Khanh, Thâm Hàng và Quảng Kim.
Sáng ngày 18-1, 2 chiến hạm TKD và LTK từ đảo Cam Tuyền đến gần tàu đánh cá 407
của ta, đòi trục xuất 407 ra khỏi khu vực, thuyền trưởng 407 không chịu khuất
phục và trả lời lên án Nam VN xâm phạm chủ quyền TQ. Đột nhiên TKD tăng tốc độ
đụng vô tàu 407 làm hư hại bên tả, các đèn hải hành, đèn pha, boong tàu bị neo
TKD móc phải, nhưng ngư dân TQ không sợ, cầm các gậy, sào để chống trả, ngay
lúc đó 2 chiếc 271 và 274 tiến tới hiện trường và cảnh cáo chiến hạm Nam VN,
nhìn thấy hải quân TQ đến, chiến
hạm Nam VN kéo cờ bất khiển dụng và nhanh chóng rời khỏi khu vực.
Đêm hôm đó HQ Đại tá Hà văn Ngạc, chỉ huy trưởng hành quân đi trên chiếc HQ 5 Trần
Bình Trọng (TBT) và tăng cường thêm chiếc HQ 10 (Nhựt Tảo) ra tiếp viện. Vào thời
điểm này, mặc dù mỗi bên có 4 chiến hạm, tuy nhiên, nhìn chung lực lượng Nam VN
có phần chiếm ưu thế hơn. Chiến hạm Nhựt Tảo là chiếc nhỏ nhứt trong 4 chiến hạm
tham chiến của Nam VN, nhưng nó lớn hơn loại 389, 396 của ta nhiều, trọng tải tất
cả 4 chiến hạm ta không bằng 1 chiến hạm của Nam VN. Chiến hạm hải quân Việt Nam
được trang bị hệ thống điều khiển tác xạ, trong khi tàu của ta điều khiển bởi
nhân lực. Tương quan lực lượng quá chênh lệch thành ra ta chỉ ở thế thủ và cảnh
cáo đối phương mà thôi, chứ không muốn lâm trận, nào ngờ đến ngày định mệnh
19/01/1974.
Sáng ngày 19/01, đôi bên ghìm nhau sẵn sàng chờ lịnh, Nam VN thấy chỉ có 4 chiến
hạm nhỏ của ta tưởng nắm chắc phần thắng và chiếm trọn quần đảo Vĩnh Lạc, nên họ
yêu cầu cấp trên cho khai hỏa. Lúc 8 giờ 25 phút, một mặt chiếc LTK xấn tới 2
chiếc 389, 396 của ta làm hư hại đài chỉ huy chiếc 389, mặt khác họ ngang ngược
sử dụng 4 bè cao su đổ bộ 40 lính lên đảo Thâm Hàng và Quảng Kim đối đầu với
dân quân trên đảo. Mặc dù đã lập lại những lời cảnh cáo nhưng vẫn vô hiệu, dân
quân TQ nổ súng trước, bắn một Trung úy địch, làm bị thương 3 người, buộc họ phải
rút lui. Sau cuộc đổ bộ bất thành, phía Nam VN bắt đầu dàn trận, hai chiếc TBT
và TKD từ phía ngoài đảo Kim Ngân đi ngang qua đá Linh Dương tiến về Thâm Hàng
và Quảng Kim.
Cùng lúc, lời thỉnh cầu khai hỏa cũng được ủy quyền cho vị chỉ huy tác chiến
hành quân * đặt tại căn cứ hải quân Đà Nẵng.
Tham mưu trưởng Hải quân Nam VN ** hỏi vị chỉ huy tại Đà Nẵng:
- “Anh có thật sự được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ủy quyền chỉ huy?
- “Thưa đúng như vậy.”
- “Vậy thì ra lịnh cho thuộc cấp đi”, Phó Đề đốc Tham mưu trưởng cười to.
- “Thưa lịnh như thế nào?”
- “Thì khai hỏa chứ còn gì nữa”
- “Dạ vâng”
Vị chỉ huy tại Đà Nẵng liền liên lạc với Đại tá Ngạc trên chiếc TBT và ra lịnh khai
hỏa, cho nên phía Nam VN được ưu thế xạ kích ta trước.
Chiếc 396 của ta tiến gần chận đứng bước tiến của HQ 16 và HQ 10, còn chiếc 271
thì đến gần chiếc HQ 4 và HQ 5, binh sĩ ta canh chừng nhất cử nhất động của địch,
khi phát hiện nòng súng địch có lửa, ta cũng liền phản kích ngay.
Hai bên cố tìm cho ra chiến hạm nào là soái hạm để triệt hạ trước tiên, nhưng
không bên nào đoán đúng. Chiếc HQ 4 là chủ lực của hải quân VN vì vậy bên ta
cho là chiếc này là soái hạm nên dồn hỏa lực tác xạ nhắm vào các khẩu trọng
pháo, hệ thống truyền tin và chỉ huy, nhưng hôm đó Đại tá Ngạc ở trên chiếc HQ
5, nên chiến hạm này trở thành soái hạm. Phía VN tưởng chiếc 274 là soái hạm
nên tập trung hỏa lực nhắm vào chiếc này gây tử thương cho Hạm phó 274.
Hai bên cách nhau 1000 m, đột nhiên chiếc 274 gặp trở ngại trong bộ phận bánh
lái, vì thế cứ tiến tới giữa 2 chiếc HQ 4 và HQ 5. Ngoài ra hệ thống liên lạc cũng
bị tê liệt, Hạm trưởng Lý Phúc Tưởng sử dụng động tác tay để chỉ huy và sức người
để bẽ lái, pháo đội trưởng Vương Tuấn Dân chỉ huy bắn trả đủa làm 2 chiến hạm địch
phải tháo chạy.
Trận chiến bên trong lòng chảo còn kịch liệt hơn, dù sao trận chiến phía Đông Nam
ở đảo Quảng Kim ta vẫn chiếm ưu thế về tốc độ, còn ở đây ta chỉ có 2 chiếc quét
mìn với tốc độ 14 knots, quần thảo ở khu vực chật hẹp giữa bãi san hô, bên nào
anh dũng và gan dạ hơn sẽ thắng. Hai chiếc 389, 396 tấn công hỏa lực vào chiếc
HQ 16; phía VN yếu thế hơn vì chiếc HQ 10 cũng là loại quét mìn, vận tốc 14
knots, cũng vì trục trặc máy móc nên chỉ sử dụng được một máy, do vậy vận tốc
chậm lại và khó phối hợp đội hình với chiếc HQ 16. Bên địch chiếc HQ 16 có 1 khẩu
127 ly, 3 khẩu 40 ly, 1 khẩu 20 ly, 2 súng đại liên, súng 81 ly không có tác dụng
gì cả trong thế cận chiến. Hai chiếc 389, 396 tiến đến gần, mỗi khẩu 37 ly bắn
ra 130 phát/phút và khẩu 25 ly bắn ra 350 phát/phút nhắm vào HQ 16.
Ngay trong lúc này 1 viên đạn phát ra từ khẩu đại bác 127 ly của chiếc HQ 5 trúng
vô phần dưới nước phía sau lái chiếc HQ 16, nhưng may mắn chỉ xuyên thủng không
phát nổ.
Thấy được cảnh bắn lầm này, chiến sĩ ta lên tinh thần bắn tới tấp chiếc HQ 16.
Lúc này, chiếc HQ 10 đến kịp, phối hợp HQ 16, hai mặt giáp công bắn trúng chiếc
389 làm chiếc này phát hỏa, HQ 16 thừa cơ hội này rút ra khỏi vòng chiến để sửa
chửa phần nào hư hại; chiếc 396 hướng họng pháo vào HQ 10, chiếc 389 mới vừa sửa
chửa xong từ trong ụ ra, tuy bị trúng thương nhưng vì muốn bắn thử, quay họng
súng về hướng chiếc HQ 10, không may bị kẹt đạn phải chờ 30 giây sau mới lấy đạn
ra được, pháo trưởng Lưu Chiêm Vân không sợ nguy hiểm, chạy đến dùng tay lấy đạn
hư ra ném ngay xuống biển vì sợ nổ bất tử.
Chiếc 389 trúng đạn, nước vô trong hầm đạn dược, thủy thủ Quách Ngọc Đông cỡi
quân phục ra để bịt tạm lổ thủng, nhưng không hiệu quả vì lỗ thủng quá lớn, anh
ta phải hy sinh tánh mạng dùng cả thân thể để bịt lại. Ngoài ra 5 binh sĩ cũng
hy sinh trong lúc cố gắng sửa lại máy phát điện, tất cả thủy thủ chiếc 389 chiến
đấu một cách anh dũng, ném từng quả lựu đạn, phóng tên lửa, qua chiếc HQ 10 gần
sát đó, Hạm trưởng Ngụy Văn Thà hy sinh trong trận chiến xáp lá cà này.
Lúc bấy giờ, HQ 16 trở lại giao chiến với chiếc 389 để tiếp cứu chiếc HQ 10
đang cháy bừng bừng, Đại
úy Nguyễn
(ám chỉ
Hạm
phó Nguyễn
Thành Trí) trên chiếc HQ 10 thay thế Thiếu
tá Thà đã
hy sinh, dốc
toàn lực
định
húc ngay phía sau chiếc
389,
thì chiếc 396 đến kịp để cản trở chiếc HQ 16, yểm trợ cho chiếc 389 thoát hiểm.
Chiếc HQ 16 bị tấn công bất tử, hư phần vô tuyến, tiếp điện và hệ thống điều
khiển tự động, thảm hơn nữa, chiếc LTK này bị nghiêng đi 20 độ và sử dụng một
máy, hướng về phía tây bắc để thoát hiểm.
11 giờ 49 phút, hai chiến đĩnh 281, 282 loại 037 (ta chỉ có 8 chiếc kiểu loại mới
này) trọng tải 392 tấn, tốc độ 30,5 knots, trang bị 2 khẩu 57 ly đôi, 2 khẩu 25
ly đôi, 5 ống phóng thủy lựu đạn RBU 1200, 10 quả thủy lôi đã tăng tốc độ tối
đa dể kịp đến chiến trường.
Theo kế hoạch hành quân của Nam VN, vì không thấu hiểu thực lực của ta, chờ lúc
chủ lực ta chưa đến, địch muốn tốc chiến tốc thắng, nhưng không ngờ những chiến
hạm nhỏ của ta chiến đấu một cách dũng cảm và cầm chân địch quân cho đến khi
bên ta có tiếp viện. Theo hồi ký của Hạm trưởng chiếc TKD là Trung tá Vũ (Hạm trưởng Vũ Hữu San) thuật lại, tưởng
rằng bên ta tiếp viện có 4 chiếc Phi tiễn đĩnh, tổng cộng 11 chiếc, 30 ngàn
binh sĩ, còn cho là bên ta có 42 chiến hạm và tiềm thủy đĩnh, hơn nữa chiếc TKD
và TBT cũng bị thiệt hại, họ không còn tinh thần chiến đấu, rút cuộc khoảng 12
giờ, họ rút lui về hướng đông nam.
Nhìn lại kết quả, phía tăng viện của ta không đáng kể mà khiến cho hải quân VN
phải sợ hãi mất đi ý chí chiến đấu, đem đến cho ta nụ cười thắng lợi.
Phần chiếc Nhựt Tảo, tốc độ không cao mà lại bị thương tích, nên không theo kịp
các chiến hạm bạn. Lúc 12 giờ 12 phút, phân đội 74 nhận lịnh công kích, chiếc
281 bắn xối xả vào chiếc HQ 10, tuy thủy thủ đoàn chiến hạm Nhựt Tảo chống trả
mãnh liệt, đến 14 giờ 52 phút HQ 10 chìm tại địa điểm phía Nam đá Linh Dương (đá Hải Sâm) cách 2,5 km.
Chiếc HQ 16 rời chiến trường sớm nhất vì có lịnh phải bảo toàn tánh mạng nhân
viên, chiến hạm này trở về Đà Nẵng với độ
nghiêng 40 độ, qua sự khám xét HQ 16 trúng đạn lớn nhỏ khoảng 820 chỗ.
Chiếc 389 của ta cũng đã có trên 10 người tử vong, còn chiếc 274 bị tổn thất
khá nặng đã rời khỏi đảo Vĩnh Hưng và trở về căn cứ Du Lâm ngày hôm sau.
Tuy bên ta có 18 tử vong và 67 bị thương, nhưng trận hải chiến Tây Sa đưa ta đến
thắng lợi cuối cùng.
Hải chiến thành công rồi, bên ta tức tốc phối hợp lực lượng để yểm trợ quân dân
ta đổ bộ, nào các loại chiến đấu cơ xuất phát từ Quảng Châu, phi cơ oanh tạc thực
hiện tất cả 401 phi xuất, chiếc Thành Đô thuộc Hạm đội Đông Hải băng qua eo biển
Đài Loan đến Tây Sa, quân y viện đảo Thái Bình túc trực để cứu thương. Với tất
cả sự phối hợp, ta rút cuộc chiếm lại được đảo Kim Ngân, Cam Tuyền và đảo San
Hô từng do chánh quyền Saigon chiếm giữ ròng từ 18 năm qua.
_______________________________
Chú
thích
*
Vị chỉ huy tác chiến hành quân tại Đà Nẵng: Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ-Thoại.
** Tham mưu trưởng HQ/Nam VN: Phó Đề đốc Diệp Quang Thủy.
No comments:
Post a Comment